Cảnh báo máy "test" giá cao

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (ATTP)- Bộ Y tế, hiện nay trên thị trường có nhiều bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

Cụ thể, vừa qua, trên một số trang thông tin điện tử “http://maydoantoanthucpham.net”, “http://maydothucpham.com” đã đưa tin, quảng cáo thổi phồng, sai lệch so với hồ sơ đăng ký lưu hành đối với máy đo SOEKS NUC-019-1.

Đây là bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi do SOEKS LLC - Liên bang Nga sản xuất. Sản phẩm được nhập khẩu bởi Công ty TNHH xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga và đã được Cục ATTP cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

 

Trước tình hình trên, Cục ATTP đã  làm việc với đại diện Công ty trên. Kết quả cho thấy các sản phẩm máy đo an toàn thực phẩm SOEKS NUC-019-1 đang quảng cáo trên các website “http://maydoantoanthucpham.net” “http://maydothucpham.com” không thuộc quản lý của Công ty TNHH xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga.

Đo dó, Cục ATTP khuyến cáo để người tiêu dùng cần hiểu đúng, sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh hiểu lầm về khả năng xét nghiệm của các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cho hay, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm. Kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm.

Theo quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18/3/2014 của Bộ Y tế quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, các bộ xét nghiệm nhanh trước khi lưu hành trên thị trường phải được Cục ATTP thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

Chỉ là liệu pháp
 tinh thần?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết thông thường các loại máy cá nhân phát hiện nhanh trong thực phẩm chỉ là máy đo định tính, tức là phát hiện có chất độc hay không chứ khó cho biết hàm lượng của chất đó trong thực phẩm là bao nhiêu.

Đối với một số loại máy đo nitrat nhập khẩu về VN trong vài năm gần đây có cả chức năng định lượng, tức là cho người tiêu dùng biết nồng độ nitrat trong thực phẩm có nằm trong ngưỡng an toàn hay không để có cách xử lý.

Tuy nhiên, thông tin mà nhà cung cấp đưa ra chủ yếu là đánh vào nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn của người tiêu dùng và chiếc máy như một giải pháp hoàn hảo để giải quyết. Còn các thông tin về cơ chế hoạt động ra sao, mức độ chính xác thế nào vẫn còn rất mơ hồ.

“Không hiểu cơ chế nào mà chiếc máy này có thể đo được hàm lượng nitrat trong thực phẩm chỉ bằng việc cắm đầu kim của máy vào thực phẩm trong thời gian 15 giây” - ông Nghĩa nói.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, ngoài hàm lượng phân đạm (gốc NO3) trong thực phẩm, các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm.

Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng ngàn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy test nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.

“Dù cho nitrat là thành phần quan trọng khi lựa chọn thực phẩm - vì sử dụng nhiều có thể dẫn đến ung thư - nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng hàm lượng nitrat ở ngưỡng an toàn là thực phẩm an toàn. Do đó, việc mua máy thử nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần là chính chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề” - ông Nghĩa nói.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Nghĩa, Nhà nước cần có cơ thế nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng những loại máy móc nào đó.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam