Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khan hiếm nguồn lao động nông nghiệp, tình trạng buôn lậu quy mô lớn, gian lận thương mại… đang tạo ra những tác động lớn đối với quá trình hội nhập và là rào cản đối với mía đường.
Hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào tình thế khó khăn.
Sau gần 20 năm ngành mía đường Việt Nam sống chung với định kiến “dù được bảo hộ nhưng mãi không chịu lớn”, đã đến lúc dư luận cần có một cách nhìn khách quan hơn, nhà nước cần có cơ chế, chính sách bài bản hơn để ngành mía đường có thể cạnh tranh, hội nhập công bằng, bình đẳng.
Báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nghiêm trọng của ngành mía đường là sự vi phạm kéo dài của tình trạng buôn lậu đường quan biên giới và gian lận thương mại. Giai đoạn 1999 - 2008, lượng đường nhập lậu khoảng 100.000 tấn/năm.
Đến giai đoạn 2009 - 2015, lượng đường nhập lậu gấp 3 lần trước đó khoảng 350.000 tấn/năm. Từ niên vụ 2015 - 2016 đường nhập lậu và gian lận thương mại với khối lượng ước tính khoảng 800.000 tấn/năm. Tốc độ tăng trưởng lượng đường nhập lậu được tính theo cấp số nhân.
Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn trong 2 năm vừa qua. Việc buôn lậu quy mô lớn và gian lận thương mại trắng trợn, công khai đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì thay thế.
Hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào tình trạng đóng cửa. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ". Thị trường của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu từ Thái Lan.
Ngoài những khó khăn về đường nhập lậu, từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Ngành mía đường sẽ có sân chơi chung là toàn khu vực Đông Nam Á. Mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường nước khác.
Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp, là xu thế tất yếu. Tuy nhiên tiến trình hội nhập cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, trước khi ký Hiệp định ATIGA, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ về ngành mía đường, đưa ra thời điểm hội nhập 1/1/2020 là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, ngành không phát triển, còn chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Thái dẫn chứng, thứ nhất, chương trình “1 triệu tấn đường” của Chính phủ, hình thành 44 nhà máy và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 1990, chúng ta phải nhập khẩu cả tỷ USD đường để phục vụ cho tiêu dùng nhưng khi có 44 nhà máy, hơn 1 triệu tấn đường theo chương trình của Chính phủ đã đáp ứng nhu cầu cho xã hội, không phải nhập khẩu, tiết kiệm được tiền cho Nhà nước.
Một điều theo ông Thái rất đáng ghi nhận cho ngành đường là trong thời gian qua, ngành mía đường đưa cây mía vào vùng sâu vùng xa, biên giới, mở đường cho nông dân trồng mía; đảm bảo giá mía, góp phần đảm bảo cuộc sống cho nông dân.
Lật lại vấn đề, ông Thái băn khoăn, vậy sau hội nhập điều gì xảy ra? ông Thái cho rằng, hội nhập sẽ khiến hàng triệu người nông dân không có việc làm. Đặc thù ngành mía đường trong nước sản xuất còn manh mún, công nghệ chưa hiện đại, chi phi sản xuất, lợi nhuận thu về thấp.
Do đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. “Khẩn thiết đề nghị Chính phủ thận trọng, đánh giá toàn diện làm sao đảm bảo được đời sống người nông dân khi đưa ngành mía đường bước chân vào hội nhập”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường nói.
Nguồn: https://congluan.vn/mia-duong-gian-nan-con-duong-hoi-nhap-post62880.html