Foie gras là món gan ngỗng kiểu Pháp vốn được xưng lên hàng "thần thánh" trong giới ẩm thực do hương vị vô cùng thơm ngon, béo ngậy, mềm mịn như lụa... Món ăn này thường chỉ xuất hiện trong các bữa ăn sang chảnh và có mức giá rất đắt đỏ.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn lại ẩn chứa nhiều sự thật gây tranh cãi.
Để có vị béo "danh bất hư truyền" đó, những con ngỗng được nuôi để lấy gan phải trải qua chuỗi ngày sống trong kinh hoàng.
Để có miếng gan béo, những con ngỗng bị ép ăn một cách tàn nhẫn. Ba lần một ngày, người nuôi banh miệng, cắm ống thức ăn vào cổ họng ngỗng đực để đổ hơn 2kg hạt ngũ cốc mỗi lần ép chúng ăn.
Việc ép ăn này sẽ khiến gan ngỗng sinh mỡ, to hơn gấp 10 lần gan một con ngỗng bình thường. Lá gan béo phì khiến chúng thở, đi lại rất khó khăn. Nhiều con quá béo không thể di chuyển, căng thẳng, trở nên hung hăng, tự xé lông mình và tấn công các con khác.
Những con ngỗng tội nghiệp bị nhốt trong các lồng nhỏ, chen chúc chỉ đủ chỗ cựa quậy mình. Chúng không được xuống ao hồ tắm táp hay rỉa lông khiến lớp dầu tránh thấm nước của loài ngỗng bít kín cơ thể chúng.
Ngoài ra, chúng thường bị tổn thương thực quản do lượng thức ăn quá tải đổ xuống họng, gãy xương ức, nhiễm nấm, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan và rất căng thẳng. Một số con chết vì viêm phổi hoặc nghẹn khi nuốt hạt.
Foie gras là món gan ngỗng kiểu Pháp, vốn được xưng lên hàng "thần thánh" trong giới ẩm thực do hương vị vô cùng thơm ngon.
Quá trình nuôi này từng bị nhiều tổ chức quyền lợi động vật đánh giá là dã man. Chính vì vậy, một số nước đã cấm nhập khẩu hoặc kinh doanh gan béo.
Nhiều nước khác cấm nhồi nhét động vật ăn uống như Argentina, Úc, Nam Phi, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Mỹ, bang California là địa phương đầu tiên trên thế giới ban hành đạo luật cấm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh gan béo. Tại New York hôm 30/10/2019, hội đồng thành phố đã thông qua quy định cấm các nhà hàng buôn bán, tiêu thụ và sở hữu gan béo từ cuối tháng 10/2022. Những ai vi phạm sẽ bị phạt khoảng 500 - 2.000 USD/lần, tương đương 11 - 46 triệu đồng tiền Việt.
Những bộ gan ngỗng béo ngậy được dùng để chế biến các món ăn cao cấp. Ảnh: Newsweek
Trong khi các tổ chức bảo vệ động vật hoan nghênh lệnh cấm, các nhà chăn nuôi lại méo mặt và các doanh nghiệp không dễ đầu hàng. Họ cảnh báo sẽ có hành động pháp lý chống lại quy định mới.