Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực

Ngày 6-4-2016, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) với 91,30% ý kiến tán thành. Luật này có hiệu lực từ 1/9/2016.

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 Chương, 22 Điều đã khắc phục, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế.

Trong đó, Luật quy định thêm những trường hợp chịu thuế mới như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

Theo quy định hiện hành, những trường hợp chịu thuế gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.

Luật này cũng quy định những trường hợp hàng hóa được miễn, giảm thuế, hoàn thuế cụ thể như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam trong định mức phù hợp với Điều ước quốc tế; tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại...

Chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 9/2016 (Hình minh họa).

Chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 9/2016. (Hình minh họa)

Cách tính lương hưu cho người có mức dưới 2 triệu đồng/tháng

Thông tư 23 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/9, hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng thì đối tượng là người có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng được điều chỉnh như sau:

Đối với người có mức lương hưu dưới và trên 1,75 triệu đồng/tháng, mức lương hưu sau điều chỉnh lên 2 triệu đồng/tháng.

Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp dưới và trên 1,85 triệu đồng/tháng cũng sẽ được điều chỉnh lên 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Thông tư 23 còn hướng dẫn cách tính lương hưu tăng thêm đối với: Người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/5/2016. Giáo viên mầm non có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.

Hướng dẫn thanh toán tiền chênh lệch thuê nhà ở công vụ

Ngày 3/8/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 124/2016/TT-BTC, nhấn mạnh khi thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ mà tiền thuê nhà ở thương mại cao hơn số tiền thuê do người thuê phải trả thì người thuê phải trả tiền thuê nhà tối đa bằng 10% tiền lương đang được hưởng tại thời điểm thuê nhà ở công vụ.

Đồng thời khẳng định, cơ quan quản lý cán bộ đủ tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà ở công vụ để xác định số tiền thuê nhà ở công vụ phải trả và xác định phần chênh lệch giữa số tiền thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và số tiền người thuê nhà phải trả, số tiền ngân sách Nhà nước chi trả cho phần chênh lệch theo quy định để xây dựng và đưa vào dự toán chi tiêu hàng năm của đơn vị.

Phần tiền chênh lệch này được chi trả hàng tháng dựa trên dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thời điểm Nhà nước thanh toán tiền lương và được thực hiện quyết toán cùng với quyết toán chung của đơn vị.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/9/2016.

Xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư

Nghị định 117/2016/NĐ-CP ngày 21/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ 15/9/2016.

Trong đó, đối với viên chức đang xếp lương ở chức danh giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được thực hiện xếp lương như sau:

Trường hợp chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được xếp lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ; trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm (36 tháng) để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô có hiệu lực từ 15/9/2016. (Ảnh minh họa)

Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô có hiệu lực từ 15/9/2016. (Ảnh minh họa)

 

Miễn, giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 128/2016/TT-BTC quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và giảm 50% mức thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu nêu nêu trên không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.

Nếu sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu vượt quá số tiền được miễn, giảm thì số thuế nộp thừa được xử lý theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực từ 23/9/2016.

 

Theo Duy Phan tổng hợp/Gia Đình Việt Nam