Ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp là ngày lễ cổ truyền của dân tộc, lấy tích từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc và được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Đối với người dân Việt Nam, ngày ông Táo chầu trời rất quan trọng, bởi đó không chỉ là ngày các Táo lên đình bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp của gia đình năm vừa qua, mà đây còn là ngày các gia đình gửi gắm những điều may mắn cho ông Táo lên thiên đình.
Nên tỉa chân nhang trước hay sau lễ cúng ông Công ông Táo?
Bàn thờ gia tiên là nơi tôn nghiêm, nơi để những người còn sống tưởng nhớ người đã khuất, bày tỏ lòng thành kính cũng như hướng về cội nguội.
Vì thế, mỗi dịp năm hết Tết đến, các gia đình đều tiến hành dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt chú trọng bàn thờ gia tiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên lau dọn bàn thờ khi nào cho phù hợp, trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
Người Việt quan niệm, bát hương là cầu nối thể hiện tấm lòng, sự tưởng nhớ của con cháu với các vị thần linh và gia tiên. Chính vì thế, các gia chủ thường rất chăm chút cho bát hương của gia đình.
Mỗi năm, các gia đình sẽ tiến hành lau dọn bàn thờ, lau chùi đồ thờ cúng và tỉa chân nhang vào dịp ngày 23 tháng Chạp (tức ngày ông Công ông Táo).
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm xoay quanh vấn đề nên tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo.
Đại đa số thì cho rằng, nên dọn bát hương, tỉa chân nhang sau ngày 23 tháng Chạp. Số khác lại cho rằng sang tháng Chạp là gia chủ có thể tiến hành tỉa chân nhang, sau rằm tháng Chạp là tốt nhất.
Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định tỉa chân nhang trước hay sau ngày ông Công ông Táo là đúng. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình đều tiến hành tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ sau ngày ông Công ông Táo.
Cách thức tỉa chân nhang đúng chuẩn
Cần thỉnh lời xin phép trước khi lau dọn
Trước khi sái tịnh bàn thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc.
Việc dọn dẹp ai làm cũng được, chỉ cần cẩn thận, tỉ mỉ để tránh đổ vỡ đồ thờ quý, vật phẩm, ảnh gia tiên…
Bài khấn xin phép trước khi tiến hành lau dọn bàn thờ như sau:
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương.
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là:………………
Ngụ tại:………………….
Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đó dòng họ X. (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại…… (nhà ở đâu, quê ở đâu thì thêm vào).
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp (hoặc 30 tháng Chạp), con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật.
Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ X, chấp thuận.
Nam mô a di đà Phật (3 lần)
Lưu ý: Sau hơn nửa tuần nhang thì có thể tiến hành vệ sinh, bao sái bát nhang và ban thờ.
Những lưu ý quan trọng khi lau dọn bàn thờ
- Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng.
- Nước lau bàn thờ trước tiên là nước sạch. Sau đó dùng rượu trắng với gừng (hoặc nước vang – nước ngũ vị hương) để lau sạch bàn thờ.
- Khi lau bát hương, bài vị phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu pha gừng giã nhỏ, nước hoa, ngũ vị hương... lau cho sạch.
- Điều quan trọng cuối cùng là chúng ta phải làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên.
Điều đại kị trên mâm cỗ cúng ông Công ông Táo mà nhiều người vẫn hay phạm phải
Việc cúng lễ quý ở thành tâm, đồ cúng lễ 23 tháng Chạp không quá cầu kì nhưng cần sự chu đáo, tỉ mỉ để không bỏ sót điều gì. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo có thể là lễ chay, cũng có thể là lễ mặn, tùy theo điều kiện gia đình. Lễ chay gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác. Tuy nhiên, tuyệt đối không dâng cúng Táo quân các món như thịt chó, thịt vịt, thịt chim.
Nhiều gia đình thường chủ quan và nghĩ rằng việc phóng sinh cá là không cần thiết nên bắt cá chép rán lên để cúng Táo quân mà không biết rằng, đây chính là một trong những điều đại kị khi cúng ông Công ông Táo mà các gia đình tuyệt đối không nên làm.
Các nhà nghiên cứu văn hoá nhận định, cúng cá rán hay không tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì không đúng với mẫu gốc vì lễ ông Công ông Táo phải có cá chép sống để thả xuống sông, suối. Thay vì rán cá, đồ xôi gấc rồi tạo hình thành chú cá chép cũng là một gợi ý hay cho mâm cỗ ngày 23 tháng Chạp mà không phạm phải điều cấm. Hiện nay, các bà nội trợ khéo tay cũng có cách làm thạch hình cá chép rất đẹp mắt.
Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình.