Ngày 18/1, Bộ LĐ-TB&XH đã thông tin về tình hình lương, thưởng Tết cho người lao động.

Theo đó, tiền lương năm 2021 của 60 tỉnh, thành phố tại 41.339 doanh nghiệp có báo cáo, tương ứng với 3,83 triệu lao động (chiếm 15,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) thì tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng) và tăng 0,9% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng). Cụ thể:

 Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,13 triệu đồng/tháng, bằng 100% so với năm 2020 (9,1 triệu đồng/tháng), giảm 2,2% so với năm 2019 (9,34 triệu đồng/tháng);

 Doanh nghiệp dân doanh là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2020 (7,13 triệu đồng/tháng), tăng 3,4% so với năm 2019 (7,25 triệu đồng/tháng);

 Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,26 triệu đồng/tháng, tăng 2% so với năm 2020 (8,12 triệu đồng/tháng), và giảm 2,4% so với năm 2019 (8,46 triệu đồng/tháng).

Thưởng tết Âm lịch năm 2022 bằng 97% so với thưởng dịp tết Âm lịch năm 2021 .
Thưởng tết Âm lịch năm 2022 bằng 97% so với thưởng dịp tết Âm lịch năm 2021 .

Đối với tiền thưởng Tết Dương lịch 2022, có khoảng 55,2% doanh nghiệp trong tổng số 41.826 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân là 1,36 triệu đồng/người, chỉ bằng 58% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2021 (2,34 triệu đồng/người).

Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,69 triệu đồng/người, bằng 72% so với 2021 (2,33 triệu đồng/người), tăng 92% so với năm 2020 (0,88 triệu đồng/người).

Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,47 triệu đồng/người, bằng 31% so với 2021 (4,77 triệu đồng/người), bằng 72,8% so với năm 2020 (2,02 triệu đồng/người).

Doanh nghiệp dân doanh là 1,16 triệu đồng/người, bằng 54% so với 2021 (2,15 triệu đồng/người), tăng 43,2% so với năm 2020 (0,81 triệu đồng/người);

Về tiền thưởng tết Âm lịch Nhâm Dần 2022, theo báo cáo, có khoảng 62,7% doanh nghiệp trong tổng số 42.159 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng với mức thưởng bình quân bằng gần 01 tháng lương (6,17 triệu đồng/người), bằng 97% so với thưởng dịp Tết Âm lịch năm 2021 (6,36 triệu đồng/người), bằng 92,2% so với thưởng dịp Tết Âm lịch năm 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6,66 triệu đồng/người, bằng 95% so với 2021 (6,99 triệu đồng/người), bằng 97,5% so với năm 2020 (6,83 triệu đồng/người).

Doanh nghiệp dân doanh là 5,92 triệu đồng/người, bằng 98% so với 2021 (6,05 triệu đồng/người), bằng 92,4% so với năm 2020 (6,41 triệu đồng/người).

Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 5,59 triệu đồng/người, bằng 96% so với năm 2021 (5,85 triệu đồng/người), bằng 90,7% so với năm 2020 (6,16 triệu đồng/người).

Về tiến độ triển khai một số chính sách an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2021, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng) và trên 42,8 triệu lượt người lao động cùng các đối tượng khác (kinh phí 58.449 tỷ đồng).

Trong đó, về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng (gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Cần Thơ (905 tỷ đồng); Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg là 37.918 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó:

Về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.800.278 lao động (gồm 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 30.069 tỷ đồng cho 12.698.562 người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ 14,68 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em, gồm 2.840 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 05 triệu đồng/trẻ em - số tiền 14,2 tỷ đồng) và 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 01 triệu đồng/trẻ em - số tiền 481 triệu đồng).

Trên cơ sở đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói của 41 tỉnh, thành phố, Bộ LĐ-TB&XH đã tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xuất cấp tổng cộng 158.136,660 tấn gạo để hỗ trợ cho 2.715.530 hộ dân với 10.542.444 nhân khẩu, cụ thể như sau:  Hỗ trợ tết nguyên đán và thiếu đói giáp hạt: 15.425,61 tấn gạo; Hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: 739,86 tấn gạo;  Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: 141.971,19 tấn gạo.

Theo baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/muc-binh-quan-thuong-tet-am-lich-nham-dan-2022-cua-cac-doanh-nghiep-la-617-trieu-dong-nguoi-20220118170339.htm