Nhưng ý chí, sự đoàn kết, chung tay của người dân nơi đây và cả cộng đồng không thể bị khuất phục, những chồi non, ngôi nhà, nụ cười đang được xây dựng lại từ đống đổ nát.
Trên chuyến xe của đoàn thiện nguyện, chúng tôi trở ngược về tâm lũ Mường Lát bằng Quốc lộ 15C. Con đường này đã bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng phải nổ lực không ngừng nghỉ để nối huyện Mường Lát với các huyện miền xuôi. Dọc hai bên đường vẫn thấy xuất hiện những ụ đất sạt lở còn sót lại do chưa được dọn dẹp. Trên cung đường ngoằn nghèo thi thoảng còn sót lại một vài bể nước sinh hoạt nằm trơ trọi bên nền bãi đất trống giữa núi rừng hoang vu. Vị trí này, đã từng là mái ấm của nhiều gia đình trước khi lũ xảy ra.
Các lực lượng chung tay cùng người dân dọn dẹp sau lũ.
Ông Hà Văn Ngói, ở bản Bàn, xã Quang Chiểu vẫn còn bàng hoàng cho biết, khi nước lũ dâng cao, cả ngôi nhà của ông chìm trong biển nước. Đây là trận lũ kinh hoàng và khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Trận lũ diễn ra thật kinh hoàng, năm nay tuổi đã cao lại là người tàn tật, ông còn sống sót qua được lần này đã là may mắn. Sau lũ, chính quyền địa phương, và bà con nhân dân trong bản đã giúp ông làm lại cái nhà chòi để ở tạm. Số tiền được hỗ trợ, gia đình ông dùng để khôi phục sản xuất từ việc trồng ngô, trồng lúa và mua các con giống chăn nuôi. Ông và bà con nơi đây rất cảm động vì thời gian qua, có rất nhiều nhà hảo tâm, lãnh đạo địa phương, cơ quan ban ngành lên thăm hỏi và động viên bà con.
Cùng chung hoàn cảnh mất nhà do lũ, chị Hà Thị Thanh cũng ở bản Bàn nói: "Gia đình tôi đã vượt lên mất mát, tham gia với các hộ bản khác dệt nhờ thổ cẩm để kiếm sống. Với bàn tay khéo léo, cộng với sự chăm chỉ làm việc, mỗi ngày đi dệt cho khách tôi cũng kiếm được đủ tiền sinh hoạt cho gia đình". Theo chị Thanh, lũ lần này tàn phá ghê quá, nhiều nhà không còn gì sau lũ, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền, nhiều đoàn công tác và bà con trong bản nên người dân địa phương đã sớm vượt qua nỗi đau mất mát, bắt tay vào khôi phục sản xuất, lao động để ổn định cuộc sống mới.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khắc phục hậu quả sau lũ.
Trận lũ vừa qua, toàn xã có 37 hộ gia đình bị mất nhà, trong đó riêng bản Qua có tới 16 hộ. Thiệt hại về các công trình xây dựng là rất lớn, điển hình như các kênh mương nội đồng, đập tràn ở bản Sim… ước tính hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên sau lũ, đồng bào nơi đây đã đoàn kết, vượt khó nên cuộc sống cũng đã trở lại, các học sinh đến trường đầy đủ. Tin vui là, huyện bố trí đầu tư một khu tái định cư tại chổ cho 30 hộ dân nằm trong diện phải di dời đến nơi ở mới an toàn.
Thống kê sơ bộ, mưa lũ tại Mường Lát vừa qua đã khiến 5 người chết, 2 người mất tích, 139 căn nhà bị sập hoàn toàn, 514 hộ phải di dời. Mưa lũ cũng khiến cho 15 trường và điểm trường, 25 đập thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng, trong khi đó tuyến quốc lộ 15C từ Km 49 đến Km 110 bị sạt lở gây ách tắc nhiều ngày. Tổng thiệt hại trên địa bàn Mường Lát ước tính hơn một nghìn tỷ đồng.
Thiên nhiên nổi giận thì con người thật là nhỏ bé, nhưng ý chí, quyết tâm của cộng đồng dân tộc nơi đây không gì có thể xoay chuyển. Vượt qua tất cả, các điểm trường đã kịp đón năm học mới. Nơi ăn, chốn ở cho người dân mất nhà sau lũ, một số công trình như đường, điện được khôi phục… Công tác xử lý môi trường sau lũ, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm.
Theo báo cáo của huyện Mường Lát, đến nay huyện đã thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai 34,05 tấn gạo; 6.010 thùng mì tôm; 54 thùng lương khô; 265 kg muối, cùng với nhiều vật tư, nhu yếu phẩm khác. Huyện đã chi 811 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ có người bị chết với định mức 5,4 triệu đồng và các hộ có nhà sập hoàn toàn với định mức 7 triệu đồng/hộ.
Niềm vui trở lại với người dân Mường Lát.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ giúp đỡ hơn 3,895 tỷ đồng. Có 4/113 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn đã dựng lại nhà mới; đã khắc phục được 12/115 hộ có nhà bị hư hỏng nặng (từ 50-70%); đã khắc phục được 31/92 hộ có nhà bị hư hỏng từ 30-50%; đã khắc phục được 136/167 hộ có nhà bị hư hỏng dưới 30%. Đối với các hộ có nhà bị ảnh hưởng thiên tai thực hiện việc xây dựng và sửa sang nhà cửa theo hình thức tái định cư xen ghép và tái định cư tại chỗ, huyện động viên nhân dân thực hiện khắc phục và phấn đấu xong trước 31/12/2018. Các hộ dân bị ảnh hưởng về nhà cửa cần phải di dời tái định cư tập trung, huyện đã tiến hành xác định được vị trí cho 3 khu tái định cư và đang thực hiện san lấp mặt bằng, dự kiến khoảng 20/10/2018 sẽ hoàn thành.
8 hoàn thành việc san lấp mặt bằng để nhân dân xây dựng nhà cửa và ổn định đời sống trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Trong khôi phục sản xuất nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh môi trường, những diện tích đất lúa nước bị vùi lấp huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân tận dụng những diện tích có nguồn nước để thực hiện việc trồng cây rau màu trong vụ đông.
Thầy và trò nơi đây vẫn tưng bừng khai giảng, bám lớp, bám trường.
Cùng với đó là thực hiện việc phục hóa cải tạo ruộng đất để phục vụ cho sản xuất vụ chiêm xuân. Những diện tích bị vùi lấp một phần và thiếu nước do hư hỏng hệ thống thủy lợi huyện đã chỉ đạo nhân dân tận dụng các nguồn nước tự nhiên sẵn có để tưới chăm sóc tốt nhất cho cây lúa vụ mùa, giảm thiểu về thiệt hại và triển khai huy động các nguồn lực để thực hiện nâng cấp, duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân năm 2019. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh chăn nuôi nhằm mục đích tái đàn bằng các hình thức chăm sóc tốt đàn vật nuôi hiện có và xây dựng các mô hình, dự án về phát triển chăn nuôi thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện đã cấp 932 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng và 54.340 liều vắc-xin tiêm phòng các loại cho đàn vật nuôi.
Trong công tác khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, Quốc lộ 15C đã thông được toàn tuyến; các tuyến đường tỉnh 521E, 521Đ đã được thông xe kỹ thuật và hiện tại các tuyến đường thuộc huyện và xã quản lý cơ bản đã thông được xe máy, không còn bản nào bị cô lập về giao thông. Huyện đang tiến hành rà soát, kiểm kê, đánh giá mức độ thiệt hại và xây dựng phương án khắc phục, kêu gọi đầu tư để sửa chữa phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Đến nay, cơ bản các trường đã khắc phục tạm thời cho học sinh học, còn một số trường chưa thể khắc phục phải có nguồn vốn đầu tư.
Quá trình triển khai công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cho Mường Lát phải mất thời gian dài mới hoàn thành. Bằng ý chí, quyết tâm, sự đoàn kết của người dân nơi đây sẽ là động lực vững chắc để xây dựng lại từ đống đổ nát.