Thông tin trên đã được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo công bố Công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 diễn ra sáng 13/12.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, GDP còn dùng để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan, phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tính toán các chỉ tiêu đòn bẩy như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, bội chi ngân sách so với GDP...

Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Vì vậy, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phải rà soát, đánh giá lại theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP của nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này theo đúng thông lệ quốc tế và có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Báo cáo công bố cho thấy, về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn.

Về kết quả đánh giá lại quy mô GDP, lãnh đạo Tổng cục thống kê cho biết, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%.

Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng (con số đã công bố trước đây là 5,006 triệu tỷ đồng).

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13 - 0,48 điểm phần trăm. Theo đó, năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011 - 2017 lần lượt là 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%.

Do quy mô nền kinh tế thay đổi, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng có sự điều chỉnh, trong đó, GDP bình quân đầu người đánh giá lại trong giai đoạn 2010 - 2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với con số đã công bố, tương ứng với mức tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ giá hối đoái và ứng với 1.421,1 USD - PPP/người theo sức mua tương đương.

Tính theo đồng nội tệ, trong giai đoạn 2010 - 2017, theo dãy số đánh giá lại GDP bình quân đầu người mỗi năm tăng bình quân khoảng 5 triệu đồng/người.

Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 66,8 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2010 và tăng 13,7 triệu đồng/người so với con số đã công bố.

Theo Tổng cục Thống kê, khi rà soát, đánh giá lại GDP đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân, trong đó có 4 nhóm làm tăng GDP, còn một nhóm có tác động giảm. Tác động lớn nhất là việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra, làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng thêm 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng. Đứng thứ hai là bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính, giúp GDP tăng bình quân 305.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017, chiếm 32,6% mức tăng bình quân.


Theo Công lý