Bộ Công Thương vừa ban hành kế hoạch về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019. Chủ đề tổ chức các hoạt động hưởng ứng là: “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” - đây là chủ đề đã được triển khai trong năm 2018 và tiếp tục kéo dài sang năm 2019.
Theo đó, năm 2019 sẽ tập trung vào các hoạt động có sự tham gia hưởng ứng của nhiều chủ thể với quy mô rộng, hướng tới cộng đồng, xã hội, ví dụ như các sự kiện tri ân người tiêu dùng, các hoạt động kết hợp, lồng ghép với các sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội…
Cùng với đó, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Công thương cũng lưu ý cần tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…
Nhằm đảm bảo hiệu ứng tập trung và lan tỏa, thay vì chỉ tổ chức tập trung vào tháng cao điểm - tháng 3 thì các hoạt động sẽ kéo dài trong tháng 4, tháng 5 năm 2019 trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, vào các dịp Lễ, Tết, các khoảng thời gian khác trong năm, các đơn vị liên quan được khuyến khích triển khai các hoạt động phù hợp nhằm phát huy kết quả, giá trị đạt được qua việc thực hiện các hoạt động trong dịp tháng 3, từ đó góp phần đưa việc thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng thành hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục trong các khoảng thời gian khác trong năm.
Để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm trong việc thực hiện, Bộ Công thương cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của xã hội theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Việt Nam có những quyền lợi gì?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, quy định người tiêu dùng có quyền và nghĩa vụ sau:
- Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp.
- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hoá, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hoá, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
- Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ.
Nghĩa vụ của người tiêu dùng
- Kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hoá, dịch vụ.
- Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hoá, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) được công nhận chính thức từ năm 2015. Ngày Quyền của người tiêu dùng được ra đời nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của người tiêu dùng, phản đối các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, qua đó đề cao vai trò và vị thế của người tiêu dùng, đẩy mạnh công cuộc bảo vệ người tiêu dùng. |