Mâm cúng cô hồn bắt buộc phải đặt ngoài nhà. Ảnh minh họa
Thời điểm nào nên cúng cô hồn?
Theo nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến, tập tục cúng cô hồn theo quan niệm dân gian Việt Nam là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt. Lễ cúng cô hồn trong tháng 7 Âm kéo dài cả tháng, tùy từng nhà, từng vùng miền có khác, chứ không ấn định riêng một ngày nào.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh – Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cũng cho rằng, người xưa quan niệm ngày 15/7 Âm lịch là giới hạn của kỳ "mở cửa ngục", sau ngày này người cõi âm sẽ không thể nhận đồ được nữa, nên từ giờ Dậu (5-7 giờ tối) từ mùng 1 đến Rằm tháng 7 đã cúng cô hồn. Tuy nhiên, theo lịch Vạn niên năm 2019, từ 1 - 14/7 Âm lịch có các ngày hoàng đạo được cho là cúng cô hồn tốt nhất gồm: Mùng 7, mùng 8, ngày 12, ngày 14.
Riêng ngày Rằm tháng 7 có lễ Vu Lan cầu siêu báo hiếu tổ tiên, nên cần tiến hành nghi lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên xong xuôi mới cúng cô hồn và mọi việc phải cúng xong trước 12 giờ trưa (15/7 Âm lịch).
Thời gian cúng cô hồn thường là giờ Dậu (17-19 giờ), lý do là thời điểm này thịnh âm, theo thuyết ngũ hành âm dương thời điểm này nhập nhoạng, tranh tối tranh sáng, các cô hồn mới đến nhận lễ cúng, ăn uống được. Còn ngày nhiều ánh sáng sẽ làm các linh hồn bị hồn siêu, phách tán, yếu ớt, không thể chống chọi với ánh sáng mặt trời, không thụ hưởng lễ vật được.
Lễ cúng cô hồn bắt buộc phải làm ngoài nhà, cúng ngoài trời, hoặc trước cửa nhà, vỉa hè, ngã ba, cổng làng… Tuyệt đối không làm lễ cúng cô hồn trong nhà, vì quan niệm của người xưa làm thế sẽ rước vong vào nhà. Gia chủ đọc các bài văn cúng, hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cúng cô hồn ở bài văn khấn đều có lời "tiễn vong" đi, không luẩn quẩn ở lại quấy phá gia chủ. Lúc này gạo, muối được vãi ra sân, đường… và đốt vàng mã, quần áo cho vong lên đường về âm giới.
Nếu không có điều kiện chuẩn bị mâm cúng cô hồn đủ đầy, thì khi hoàn thành lễ cúng Phật và gia tiên, gia chủ có thể lấy chút gạo và muối ra ngoài cửa và rắc 4 phương 8 hướng, như một nghi thức bố thí cho các cô hồn.
Các nhà tâm linh cho rằng, việc cúng cô hồn là một nét văn hóa dân gian đẹp, có tính chất nhân văn hai chiều: Một là, có ý nghĩa nhân đạo, bởi dân gian tin rằng những vong hồn bơ vơ đói rét không được ai thờ cúng… dịp này nhờ các lễ cúng cô hồn thí thực (tặng thức ăn) mà các vong hồn được ăn uống no nê. Hai là, dịp này nơi nơi đều làm lễ cầu siêu, nên các cô hồn về dương gian có cơ hội tụng kinh niệm Phật, hiểu thêm lẽ sống ở đời để khi về âm giới thì ăn năn hối lỗi, tu học để được chuyển kiếp, không bị bơ vơ đói khát nữa.
Lễ vật cúng cô hồn
Tập tục cúng lễ cô hồn mỗi vùng miền khác nhau nên mâm cỗ cúng cô hồn cũng khác, nhưng cần chuẩn bị những vật phẩm sau:
Muối gạo (1 đĩa)
Nước, hương, đèn/ nến, hoa tươi thơm, quả (5 loại, 5 màu) tươi, sạch.
Quần áo giấy, tiền mã (hiện nay người dân đang bỏ dần tục này).
Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm)
Cháo trắng nấu loãng, hoặc 3 vắt cơm.
Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc, bánh, kẹo…
Có nơi bày thêm trầu cau, bát canh khoai tây với xương, cơm và 1 quả trứng luộc…
Theo nhiều nhà tâm linh, mâm cúng cô hồn nên chuẩn bị các món chay để các cô hồn không phát sinh lòng tham.
Không cúng xôi, gà, đồ mặn trong lễ cúng cô hồn.
Lễ cúng được bày ngoài trời. Nên cúng cô hồn bằng lễ chay để không khơi gợi tham - sân - si của các cô hồn.
Không mang các vật phẩm trên mâm cúng cô hồn vào nhà mà nên để trẻ nhỏ lấy đi. Cháo, bỏng, gạo, muối… xuống đường (với ý để mời cô hồn đi).
Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến