Các di tích nằm trong cụm di tích lịch sử Nam Ô mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Việt – Chăm với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kỳ lịch sử khác nhau của mảnh đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Suốt gần 200 năm qua, vào dịp rằm tháng 2 âm lịch, người dân địa phương long trọng mở lễ tế tạ lăng ông.
Vào cuối tháng 3/2021, Cụm di tích lịch sử Nam Ô đã được xếp hạng di tích cấp thành phố, cùng với đó là kế hoạch trùng tu tôn tạo các di tích trong Cụm di tích đang được Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành các thủ tục đầu tư với mức đầu tư hơn 25 tỉ đồng và dự kiến thực hiện trong năm 2021.
Với việc Cụm di tích lịch sử Nam Ô được xếp hạng di tích cấp thành phố và trong thời gian đến sẽ được trùng tu sẽ tạo nên những dấu ấn quan trọng trong việc phát triển du lịch, hình thành nên sản phẩm du lịch văn hóa thu hút du khách. Trước đó, làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã được xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để khu vực Nam Ô phát triển mạnh về du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng – một trong những hình thức du lịch ngày càng được quan tâm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Xét về mặt địa lý, Cụm di tích lịch sử Nam Ô nằm tại vị trí đắc địa của khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, xung quanh là các dự án khu du lịch, sinh thái cao cấp như Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Vinpearl Làng Vân, Khu đô thị Gami Ecocharm, Khu đô thị sinh thái Golden Hills…
Cụm di tích lịch sử Nam Ô nói riêng và làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô nói chung sẽ trở thành điểm du lịch vệ tinh của những khu du lịch sinh thái cao cấp như đã nêu trên nếu được đầu tư hợp lý và tạo được sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách.
Như Reatimes đã đưa tin, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung với tổng nguồn vốn hơn 3.400 tỷ đồng. Theo đó, ngoài các phần cơ sở hạ tầng nằm trong cảng như chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối thì hệ thống giao thông kết nối cảng với các tuyến đường huyết mạch cũng được đầu tư, từ đó giao thông kết nối giữa cụm di tích, làng nghề truyền thống Nam Ô sẽ thuận tiện hơn, đáp ứng được nhu cầu của các phương tiện đưa đón các đoàn du lịch với số lượng lớn.
Vừa qua, ngày 30/3 đã diễn ra lễ khởi động dự án Làng Vân do công ty Cổ phần Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến là 35.000 tỷ đồng. Dự án nằm tại nằm dưới chân đèo Hải Vân thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Với quy mô lớn và hạ tầng đồng bộ, dự án được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng to lớn của Đà Nẵng, tạo đòn bẩy phát triển mới và đột phá cho kinh tế - du lịch của thành phố đáng sống nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng, trong đó các mô hình du lịch văn hóa – cộng đồng tại Nam Ô phần nào cũng được hưởng lợi.
Với sự đầu tư đồng bộ từ các dự án, hứa hẹn trong tương lai gần khu vực Tây Bắc Đà Nẵng sẽ phát triển nhanh theo hướng hiện đại. Trong đó, Nam Ô với nét văn hóa truyền thống, là điểm nhấn đặc sắc của khu vực với cụm di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và bãi đá Nam Ô. Nếu được đầu tư và phát triển tương xứng với tiềm năng, nơi đây sẽ trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa – cộng đồng thu hút đối với du khách khi đến với Đà Nẵng.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nam-o-diem-nhan-du-lich-cua-khu-vuc-tay-bac-da-nang-20201231000001797.html