Rác thải nhựa đại dương đang là vấn nạn toàn cầu
Ngày 26/11, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) (với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF) tổ chức Hội nghị quốc tế Các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) theo hai hình thức trực tuyến và ngoại tuyến, cho phép nhiều khán giả trong và ngoài khu vực ASEAN tham dự.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung hiện đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vấn nạn rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Với vai trò là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang khẳng định năng lực lãnh đạo, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương.
Theo ông Ngân, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề này khi ban hành Quyết định số 1746 về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa (RTN) trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn RTN.
Đồng thời, thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% RTN trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn RTN. Đồng thời, mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết thêm, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực.
“Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài lĩnh vực y tế và kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp thì lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, trong đó có nhiều nguyên nhân liên quan đến hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và gia tăng lượng chất thải nhựa y tế”, ông Ngân cho hay.
Cần có giải pháp toàn cầu trong ứng phó với rác thải nhựa
Phát biểu trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường của Malaysia cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu trong đó có đất nước chúng tôi. Chúng tôi có trên 50% những sản phẩm nhựa là sản phẩm dùng một lần, 80% rác thải ở biển xuất phát từ đất liền. Chúng tôi hướng đến mục tiêu cụ thể bằng các chính sách theo hướng kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm trong cuộc sống”.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường Myanmar, đất nước này có bờ biển dài, có nhiều thuận lợi nhưng cũng là thách thức khi các hoạt động kinh tế biển đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa ở đại dương.
“Chúng tôi đã thông qua những chính sách quy hoạch tổng thể và quản lý chất thải trong đó có chất thải nhựa đại dương. Chính vì những đe dọa của chất thải nhựa đại dương nên chúng ta cần chung tay, chia sẻ thông tin, kiến thức chung tay bảo vệ đại dương từ đó là bảo vệ toàn thế giới. Hiện nay chúng ta không có nhiều thông tin, kinh nghiệm quan trắc tình hình thực tế về rác thải nhựa đại dương. Cần phải đưa ra những hành động cụ thể trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Với sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới chúng tôi cam kết cùng ASEAN hành động để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường Myanmar cho hay.
Theo Phó Thủ tướng – Bộ trưởng bộ Môi trường và Khí hậu Thụy Điển cho biết, nếu không cố gắng giảm thiểu thì lượng rác thải nhựa ở đại dương sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.
“Chúng ta cần phải giảm thiểu xả rác thải nhựa ngay tại nguồn, giảm bớt sử dụng sản phẩm nhựa trên thị trường. Những nỗ lực của chúng ta phải được thực hiện ngay để hạn chế rác thải nhựa nhất là ở đại dương vì đây là mối quan ngại toàn cầu. Cần phải có những trao đổi, hợp tác để đưa ra những quyết định, giải pháp mang tính toàn cầu cho phù hợp. Chúng ta cần có bước đi mạnh mẽ hơn để cho con cháu chúng ta có đại dương sạch đẹp trong tương lai”, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng bộ Môi trường và Khí hậu Thụy Điển nhấn mạnh
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) cho biết, để ứng phó ô nhiễm nhựa, cần có giải pháp từ tất cả các bên, và cần kết hợp các giải pháp đó để giảm thiểu ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả nhất.
“Đây là lý do tại sao tại UNDP Việt Nam, chúng tôi tích cực hỗ trợ phát triển chính sách và hoạt động ở cấp cơ sở với các đối tác như Hội liên hiệp Phụ nữ, nhóm lao động thu gom rác thải phi chính thức và nhóm thanh niên, để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi cũng liên kết các ngành công nghiệp và doanh nghiệp để chuyển giao sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ họ nhân rộng các giải pháp sáng tạo. Chống rác thải nhựa đại dương đồng nghĩa với việc chúng ta đang đóng góp vào một nền kinh tế biển bền vững. Đây là nội dung chính mà UNDP đang làm việc cùng Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Na Uy cho hội nghị cấp cao quốc tế về Kinh tế biển bền vững và Thích ứng với Biến đổi khí hậu “Giải pháp cho nền kinh tế xanh thích ứng với khí hậu”, dự kiến tổ chức vào năm 2021”, bà Caitlin Wiesen cho hay.
Bà Caitlin Wiesen cho biết thêm: “Ngay trong lúc tôi phát biểu, có tương đương 5 xe tải rác thải nhựa đang bị đổ ra biển và 5000.000 chai nhựa sử dụng một lần đã được bán ra trên toàn thế giới. Do đó, tôi kiến nghị tất cả các bên liên quan cùng hành động. UNDP sẵn sàng làm việc cùng các bên để tìm thêm các giải pháp, tìm kiếm nguồn tài trợ, nhân rộng các sáng kiến nhằm giảm thiểu nhựa và hướng tới phát triển bền vững. Chúng tôi thấy một cơ hội lớn cho Việt Nam và đối tác trong khu vực để thay đổi, từ một trong những nước có ô nhiễm nhựa nghiêm trọng nhất thế giới để trở thành một trong những khu vực dẫn đầu trong các sáng kiến giải quyết rác thải nhựa. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn, để cứu hành tinh cho chúng ta, và hướng tới phát triển bền vững”.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo - ông Tạ Đình Thi cho rằng: “Ô nhiễm nhựa đại dương không bị hạn chế bởi các ranh giới địa lý và chế độ chính trị nên hợp tác quốc tế là cần thiết, đặc biệt là việc chia sẻ kiến thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính”.
Theo ông Thi, khu vực ASEAN đã có một số các chương trình, dự án quốc tế về rác thải nhựa đại dương được triển khai thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương. Nhưng thực tế cho thấy còn những khó khăn, tồn tại mà các thỏa thuận song phương, đa phương của mỗi quốc gia, khu vực chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề này.
“Nhân cơ hội này, Việt Nam khẳng định sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia của Việt Nam trong việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương được khởi xướng và chủ trì bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) trên nguyên tắc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển và trong khuôn khổ của Liên hợp quốc. Các vấn đề nêu trong thỏa thuận toàn cầu phải phù hợp với các ưu tiên của ASEAN và Việt Nam. Tôi hy vọng rằng các quý vị đại biểu và quý diễn giả sẽ tích cực tham gia thảo luận tại phiên họp toàn thể này nhằm đưa ra được các tuyên bố, giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa đối với việc phòng ngừa và giảm thiểu rác thải nhựa biển”, ông Thi nói.