Đường "VIP" hay đường "cỏ"
Những người tham gia có thể lựa chọn 2 con đường: đường "VIP" hoặc đường "cỏ".
"Nếu như đi theo đường "VIP", có 1% khả năng bị bắt. Đây là con đường an toàn nhất và cũng là đắt đỏ nhất", một người trong cuộc cho hay. "Nếu đi theo đường "cỏ", 100% sẽ thiệt mạng. Việc đi trong thùng xe chính là con đường này".
Con đường "VIP", ngược lại sẽ để cho những người có liên quan nhập cảnh Anh một cách bất hợp pháp bằng việc sử dụng hộ chiếu của một người khác, hoặc một hộ chiếu ngoại giao giả.
"Thông thường, con đường sẽ là từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi tới Nga", Mimi Vũ, một luật sư chống buôn người tại Hồ Chí Minh cho hay.
"Họ thường sử dụng đường bộ. Khi tới Nga, họ sẽ phải đi bộ sang các nước láng giềng như Ukraina hay Latvia, phải băng rừng vượt núi vào ban đêm", cô nói thêm.
Sau đó, những người này sẽ di chuyển từ các nước Đông Âu tới Đức tập trung trước khi sang Pháp để vượt biên sang Anh.
Thông thường để di chuyển từ Pháp sang Anh, nếu đi đường "VIP" sẽ phải chi cho bọn buôn người khoảng 11.000 Bảng (tương đương 360 triệu đồng). Đường "cỏ" chỉ tốn khoảng 4.000 Bảng.
Cha của anh Nguyễn Đình Lượng, một trong những người được cho là đã thiệt mạng tại Essex, nói rằng ông đã trả cho bọn buôn người 14.000 Bảng cho con đi đường "VIP", nhưng không biết vì sao con mình lại ở trong thùng xe.
"Các gia đình thường chi trả cho dịch vụ "VIP" vì họ nghĩ rằng đây sẽ là con đường an toàn, nhưng không hề biết quá trình di chuyển, con của họ có thể ở bên trong thùng xe tải như những người trả tiền cho đường "cỏ", Mimi Vũ cho hay.
Cha của Lượng nói rằng ông đã cố thuyết phục anh này đừng tiếp tục đi nữa, nhưng Lượng vẫn tin tưởng vào một "tương lai tươi sáng" tại xứ sở xa lạ này, nói rằng "ở đó vui hơn, và có cả một cộng đồng người Việt nữa".
Lượng đã tới Đức vào năm 2018, thông thường là bằng xe tải nhưng cũng nhiều lần phải đi bộ một quãng đường dài.
Trung tâm người Việt tại Đức nằm ở khu Đồng Xuân ở phía Đông thủ đô Berlin. Theo một cuộc điều tra đã được cảnh sát xác nhận thì khu chợ này cũng là trung tâm cho nạn buôn người.
Tại đây có rất nhiều các tiệm nail, tiệm tóc và cửa hàng ăn. Ngay sau khi vụ việc tại Essex diễn ra, văn phòng của trung tâm này đã đóng cửa và không ai nghe máy.
Con đường di chuyển được chia làm nhiều giai đoạn, và mỗi lần trước khi di chuyển, những kẻ buôn người đều gọi điện hỏi tiền trước.
Cha của Lượng đã bị buộc phải trả khoản tiền 18.000$ cho toàn bộ chuyến đi từ Việt Nam tới Đức của con mình, trước khi cho phép di chuyển sang Pháp.
"Khi Lượng gọi về nhà và nói rằng đã tới nơi an toàn, đó là dấu hiệu rằng chúng tôi cần chuẩn bị tiền", ông nói.
Bản thân Lượng cũng sống tại Pháp một cách bất hợp pháp trong 18 tháng khi làm việc tại một nhà hàng tại đây.
Vào tối hôm Thứ Năm, khi chiếc xe bị cảnh sát bắt giữ và phát hiện, cha của Lượng đã nhận được một cuộc điện thoại từ nước ngoài báo tin.
"Tôi mong ông hiểu. Chiếc xe đã gặp sự cố. Tất cả đã thiệt mạng", ông kể lại.
Gia đình của Phạm Thị Trà My, cô gái xấu số đã nhắn tin về cho gia đình trước khi chết, nói rằng ông bà đã nhận lại được khoản tiền 14.000 Bảng Anh trả cho bọn buôn người ngay khi thông tin về vụ tai nạn xuất hiện.
Ngoài con đường này, những người Trung Quốc cũng thường xuyên di chuyển sang Anh theo một con đường khác, thông qua các nước ở khu vực Balkan, từ Afghanistan, Kazakhstan và Turkmenistan tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nạn buôn người tại châu Âu: vấn nạn không phải mới
Chỉ tính riêng trong năm 2019, tới thời điểm này đã có ít nhất 1,000 người châu Phi thiệt mạng khi muốn băng qua biển Địa Trung Hải để tới châu Âu.
Đây không phải là một vấn nạn mới. Từ nhiều năm qua, châu Âu đã chứng kiến nhiều làn sóng người nhập cư di chuyển từ châu Phi tới phía Nam của Italy với mong muốn đổi đời trên những con thuyền chật hẹp.
Người phát ngôn của tổ chức chống buôn người LHQ Charlie Yaxley cho biết:" Đạt đến cột mốc này là kinh khủng. Nhưng việc đạt cột mốc này trong 6 năm liền là một thảm hỏa".
"Chúng ta cần thay đổi cách chúng ta đối phó với vấn nạn. Chúng ta không thể tiếp tục mặc kệ những núi người chết trước bậc thềm nhà chúng ta. Chúng ta cần tăng cường ngay lập tức các đội tuần tra và cứu hộ trên biển".
Tổ chức này cũng đưa ra một cảnh báo đáng lưu tâm: Cứ mỗi 45 người vượt biển Địa Trung Hải trong năm nay, sẽ có 1 người chết. Con số này cao hơn nhiều so với con số 1/269 vào năm 2015.
Kể từ năm 2015 tới nay, gần 15,000 người đã thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải khi những con thuyền ọp ép chở quá số lượng người bị chìm. Hầu hết trong số họ đều là các nạn nhân của nạn buôn người, bị buộc phải chi ra hàng nghìn Euro để thực hiện mộng tưởng đổi đời ở châu Âu.
Đa phần những người này sẽ tụ tập ở khu vực Libya và Tunisia. Nhiều người trong số họ đã phải chịu nhiều cảnh khổ cực trước khi được lên thuyền, với một ước mơ mãi còn dang dở.
Ngoài những người gốc châu Phi, những kẻ buôn người còn mở một đường dây từ Ấn Độ và Bangladesh, đưa người qua Istanbul rồi tới Libya.
Một số khác thì đi từ Bangladesh tới Dubai qua đường bay, rồi di chuyển bằng đường bộ tới các khu vực lân cận.
Cuộc sống sau khi tới Anh
Một người nhập cư trái phép, sau khi bị cảnh sát bắt giữ, đã kể lại rằng khi qua cửa khẩu trót lọt, những người này sẽ được thả xuống bên ngoài vệ đường cách cửa khẩu không xa, và sẽ phải tự mình tìm cách tiến vào các cộng đồng của Anh.
Họ sẽ tìm kiếm các công việc làm chui tại những cửa hàng nhỏ tại các cộng đồng quanh nước Anh.
Điều kiện tại đây rất tồi tệ, nhưng lại là tốt đối với những người tới từ những đất nước kém phát triển hơn. Tuy nhiên, cuộc sống của họ cũng chẳng hề sung sướng, với đa phần trong số họ bị bóc lột nghiêm trọng.
2 trong số các cô gái được cảnh sát tìm thấy tại một tiệm nail ở thành phố Bath là ví dụ điển hình. Cả hai đều bị buộc làm việc 60 giờ mỗi tuần, và một người thì được trả 30 Bảng mỗi tháng (tương đương 1 triệu đồng), trong khi người còn lại thì không được trả lương. Cả hai chỉ có một chiếc đệm để ngủ trên gác xép của gã chủ tiệm.
Đối với những nam thanh niên, họ sẽ được gửi tới các trại trồng cần sa và bị nhốt tại đây. Đa phần trong số họ, cả nam và nữ đều sẽ bị ép phải bán dâm.
Rất nhiều trong số họ không nhận thức được rằng bản thân mình là nạn nhân của nạn buôn người và rất ít người hợp tác với cảnh sát sau khi được phát hiện vì sợ những kẻ buôn người sẽ làm hại mình nếu tiết lộ thông tin.
Bản thân cảnh sát cũng chưa được trau dồi đầy đủ kỹ năng nhận biết đâu là nạn nhân của nạn buôn người. Đa số những người bị bắt đều bị coi là tội phạm nhập cư bất hợp pháp và ngay lập tức bị gửi về nước.