Giải bài toán phụ thuộc

Chuyển đổi số để hoàn tất quá trình đưa kinh tế - xã hội truyền thống sang kinh tế - xã hội số đang là hướng đi bắt buộc phải thực hiện để hướng tới một Việt Nam phát triển trong tương lai. Và để quá trình chuyển đổi số được thuận lợi, các nền tảng số sẽ đóng vai trò quyết định, không chỉ ở khía cạnh công nghệ, giải pháp mà còn nằm ở chi phí, rào cản chính khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ trước sự thay đổi mang tính sống còn này.

Tính tới hiện tại, Việt Nam đang có cộng đồng gồm 64.000 doanh nghiệp số với tổng doanh thu ước đạt năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Mặc dù những doanh nghiệp trên trải trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính, giao thông… nhưng phần lớn đều sử dụng các nền tảng số nước ngoài để triển khai các dịch vụ số của mình.

Có thể kể đến như Grab trong lĩnh vực vận tải, Airbnb trong du lịch lưu trú hay mua sắm trực tuyến là Shoppee, Lazada… Và hệ quả tất yếu là các nền tảng số nước ngoài này đang chiếm lĩnh hầu hết doanh thu của thị trường số trong nước. Đơn cử như trường hợp của Google và Facebook đang nắm trong tay hơn 70% thị phần của mảng quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, ước đạt hơn 955 triệu USD trong năm 2021.

Nói về vấn đề trên, Phó Tổng giám đốc G-Group Hà Trung Kiên cho rằng, càng giảm thiểu được sự phụ thuộc sẽ càng giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu cũng như đảm bảo việc bảo mật thông tin. Cụ thể, theo nhiều nghiên cứu, sự tương tác giữa các nhân viên trong một doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Doanh nghiệp có sự gắn kết nội bộ cao có thể tăng hiệu suất làm việc của nhân viên lên tới 12% cũng như doanh thu tăng khoảng 22%.

Nền tảng số: Quyền tự chủ phải trong tay doanh nghiệp Việt
Nền tảng số: Quyền tự chủ phải trong tay doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều đang sử dụng các nền tảng có trả phí như Facebook, WhatsApp, Skype, Telegram… để giải quyết bài toán gắn kết. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có thể gánh khoản chi phí này nếu biết để sử dụng với quy mô doanh nghiệp, Microsoft Teams sẽ tính phí hơn 3 USD/người/tháng, với Workplace con số này là 4 USD/người/tháng hay Slack vào khoảng hơn 6 USD/người/tháng.

Với việc tính hợp đa dịch vụ trên một nền tảng sẽ dễ khiến nhân viên bị sao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc. Ngoài ra, thông tin nội bộ cũng dễ bị rò rỉ, bởi các nền tảng nước ngoài thường là mục tiêu tấn công của tin tặc, điều khá phổ biến trong những năm gần đây, ông Kiên chia sẻ.

Có cùng quan điểm, Phó Chủ tịch công ty IOTLink Vũ Minh Trí nhận định, sử dụng các nền tảng số nước ngoài không phải là bài toán tối ưu cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Lấy ví dụ về lĩnh vực bản đồ số, một cấu phần cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh, giao thông vận tải, logistics… ông Vũ Minh Trí cho rằng, nếu sử dụng các nền tảng của nước ngoài thì hành vi và dữ liệu người dùng Việt sẽ nằm trong tay các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ. Điều này là không an toàn.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp Việt sử dụng bản đồ số nước ngoài sẽ rất khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu vì phải phụ thuộc vào đối tác. Chỉ khi bản đồ số được đặt tại Việt Nam thì vấn đề bảo mật dữ liệu mới được đảm bảo, còn nếu được đặt ở máy chủ nước ngoài thì khả năng này sẽ thấp, Phó Chủ tịch công ty IOTLink chia sẻ.

Cần thiết nền tảng số Make in Vietnam

Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nền tảng số nước ngoài cũng như tăng cường phát triển nền tảng số trong nước, qua đó khiến quá trình chuyển đổi số được tăng tốc, CEO Smartlog Đỗ Huy Bình cho rằng, yếu tố thiết yếu là sự trợ giúp của Nhà nước nhằm xác định đây là tầm nhìn bắt buộc trong chuyển đổi số.

Hiện tại, lĩnh vực logistics ở Việt Nam mặc dù rất tiềm năng lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng hiệu quả và công suất khai thác còn rất hạn chế và phân mảnh mạnh. Hơn thế nữa việc phụ thuộc vào các nền tảng số nước ngoài cũng là rào cản khiến logistics chưa phát triển đúng với thực tế.

Do vậy, việc xây dựng các nền tảng số Make in Vietnam là điều rất cần thiết, Chính phủ cần giữ vai trò đi đầu nhằm hỗ trợ cho khía cạnh này. Ngành logistics Việt Nam cần một nền tảng số quốc gia gắn với nền tảng của doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp. Chính phủ cần trợ giúp tạo nền tảng cho các bên kết nối và chia sẻ.

Việc tạo ra các nền tảng số trong nước không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát dữ liệu được an toàn hơn mà còn giúp Chính phủ có thể dựa vào đó để giải quyết các bài toán đô thị như hoạch định quy hoạch, giảm thiểu tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường… ông Đỗ Huy Bình chia sẻ.

Đưa ra một lợi ích khác của các nền tảng số trong nước, CEO Cloudify Hoàng Minh Quân cho rằng, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiếm tối đa chi phí so với những gì đang phải trả cho đối tác nước ngoài. Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số.

Các nền tảng số trong nước hiện chủ yếu sử dụng phần mềm để phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí và nhân lực. Doanh nghiệp có thể sử dụng và chi trả theo từng tháng hoặc dùng đến đâu trả tiền đến đó. Đây là mô hình thích hợp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các công nghệ cao nhưng chi phí thấp.

Để khẳng định tầm quan trọng của các nền tảng số Make in Vietnam, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ra lời kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ trong nước nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số và nó sẽ giữ lại tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam.

Những nền tảng số trong nước sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ trong nước là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nen-tang-so-quyen-tu-chu-phai-trong-tay-doanh-nghiep-viet-443821.html