Ngày 14/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo công bố kết luận thanh tra toàn diện Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongA Bank) và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ miễn nhiệm và đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đông Á. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm: Sẽ lựa chọn và cử cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát với ngân hàng này.

Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á".

Ngân hàng Nhà nước cam kết: Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ tái cơ cấu toàn diện Đông Á để ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Quy định trong Thông tư 08/2010/TT-NHNN về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng ghi rõ:

Kiểm soát đặc biệt là biện pháp Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi một tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Tổ chức này được đặt dưới kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

Tổ chức tín dụng có thể bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một hoặc những trường hợp sau đây:

1. Có nguy cơ mất khả năng chi trả, được biểu hiện: 03 (ba) lần liên tiếp không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu bằng 1 giữa tổng tài sản “Có” có thể thanh toán ngay trong khoảng thời gian 7 ngày tiếp theo và tổng tài sản “Nợ” phải thanh toán ngay trong khoảng thời gian 7 ngày tiếp theo đối với từng loại đồng tiền, vàng.

2. Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ mất khả năng thanh toán, được biểu hiện: Nợ xấu chiếm từ 10% trở lên so với tổng dư nợ cho vay hoặc từ 100% tổng vốn tự có trở lên trong vòng 03 tháng liên tiếp.

3. Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ.

 

Vân Hà/Theo Ngày nay Online