Từ đầu năm 2020, ngành đồ uống đã chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và Nghị định 100 (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), dẫn đến năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện nay hiện hoạt động ở mức dưới 80% so với trước đại dịch.
Trong khi hơn 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch… thì có đến 63,7% khách hàng đã cắt giảm chi tiêu cho bia, rượu (Theo Tạp chí Doanh nhân tháng 9/2020).
Do tác động kép đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đồ uống đều ghi nhận sự sụt giảm doanh thu trong năm 2020.
Điển hình là Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm 2020, doanh thu thuần của Sabeco đạt 27.961 tỷ đồng, giảm 26,2% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 4.937 tỷ đồng, giảm 8,1%.
Còn đối với Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 đạt 7.514,4 tỷ đồng, giảm 20,1%; lợi nhuần thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 485,1 tỷ đồng, giảm 25,4%. Quan sát tác động của Nghị định 100 cho thấy lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga, các loại đồ uống không cồn …
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp sản xuất đồ uống phát triển với tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu.
Bình quân giai đoạn này, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất đồ uống tăng 5,8%/năm; trong đó năm 2016 tăng 10,4%; năm 2017 tăng 6,1%; năm 2018 tăng 7,9%; năm 2019 tăng 10,5%; riêng năm 2020 giảm 5,1% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Nghị định 100 CP
Lượng tiêu thụ các sản phẩm đồ uống, đặc biệt đồ uống có cồn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2019, tuy nhiên giảm mạnh trong năm 2020 khi Nghị định 100 CP có hiệu lực thi hành.
Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần. Năm 2020, lượng bia các loại bình quân đầu người là 40,5 lít, giảm 7,1 lít so với năm 2019; sản lượng bia đạt 3.955,1 triệu lít, giảm 13,9%; chỉ số tiêu thụ ngành đồ uống giảm 6,3% so với năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập, ăn uống nơi công cộng.
Vì vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành đồ uống trong tháng 5 giảm 0,5% so với tháng trước; tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước do IIP 5 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh 14,6%; sản lượng bia các loại 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1.714,1 triệu lít, tăng 11,7% (5 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5%).
Nhiều doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh cao
Theo như phân tích của Tổng cục Thống kê, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh cao, dẫn đầu thị trường về sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước như Công ty sữa Việt Nam Vinamilk, công ty CP sữa TH True Milk, công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood…
Tuy nhiên, đối với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn với rào cản kỹ thuật từ thị trường, khối lượng hàng hóa nhỏ, chi phí logistics cao làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tác động tiêu cực từ dịch Covid -19 đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.
Để phù hợp với luật giao thông đường bộ, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản phẩm từ đồ uống có cồn sang đồ uống không cồn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nguồn: https://congly.vn/nganh-cong-nghiep-san-xuat-do-uong-chiu-tac-dong-nhu-the-nao-trong-dai-dich-189399.html