Lượng khách tăng mạnh
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nay (2/2/2019 đến 10/2/2019), lượng khách du lịch đến Hà Nội tiếp tục đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội đón 514.866 lượt khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 162.676 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018; khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 114.199 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt 352.190 lượt khách, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.039 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng khách cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào các thị trường khách du lịch trọng điểm của Hà Nôi với thứ tự lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Anh, Đài Loan, Pháp, Đức, Úc, Nhật Bản.
Du khách quốc tế đến Tràng An, Bái Đính.
Tại Đà Nẵng, trong dịp Tết Nguyên đán, tổng lượng khách tham quan, du lịch đạt 328.810 lượt, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt 158.328 lượt, tăng 19,9%; khách nội địa đạt 170.482 lượt, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân lượng khách quốc tế tăng, theo Sở Du lịch Đà Năng Nẵng, do dịp Tết Nguyên đán là mùa du lịch đối với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu - Mỹ… và khách Việt kiều. Đồng thời, dịp Tết Nguyên đán 2019 có thêm một số đường bay quốc tế trực tiếp mới đưa vào khai thác.
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, từ ngày 2-9/2 (từ 30 đến mùng 5 Tết), lượng khách du lịch đến các điểm tham quan đạt trên 850.000 lượt, tăng 15%, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 170.000 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Khách lưu trú tại địa phương đạt khoảng 78.000 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế đạt trên 68.000 lượt. Công suất buồng khách sạn 3-5 sao tại Hạ Long đạt 80-90%. Đặc biệt, một số điểm du lịch tâm linh như Khu di tích danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Long Tiên, Cái Bầu, chùa Ba Vàng… mỗi ngày đón hàng chục nghìn du khách đến tham quan, lễ bái. Các khu vui chơi giải trí đã thu hút trên 40.000 lượt khách đến tham quan trong dịp tết.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019 (từ 2-10/2), thị trấn Sa Pa đón trên 77.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt 7.600 lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 224.570 tỷ đồng. Đặc biệt từ ngày mùng 3 Tết trở đi, các địa điểm nổi tiếng của Sa Pa chật cứng du khách tham quan, hầu hết phòng nghỉ đều kín khách. Một số điểm tham quan đón lượng khách du lịch tăng cao như: Khu du lịch Sun World Fansipan Legend Sa Pa, Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Khu du lịch Cát Cát… Những ngày đầu xuân, hành trình đến với đỉnh Fansipan được nhiều người lựa chọn….
“Chăt chém” du khách: Việc nhỏ, hậu quả to
Trước những thành công của ngành công nghiệp “không khói” trong năm 2018, năm nay ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa. Ngành du lịch cũng quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đón thu hút 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.
Du khách nước ngoài ăn Tết Việt.
Thế nhưng mới đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện phiếu thanh toán ghi “nhà hàng Hưng Phát” trên đường Trần Phú (TP.Nha Trang) thể hiện giá nhiều món ăn “cắt cổ”, như: mì xào hải sản 500.000 đồng/phần; đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần; đậu hà lan xào tỏi 300.000 đồng/phần… Choáng váng hơn, nhà hàng này tính 800.000 đồng cho 4 phần cơm trắng và 1,5 triệu đồng cho 3 phần trứng xào cà chua.
Tiếp đến cùng trong ngày 8/2, trên mạng xã hội Facebook tiếp tục lan truyền một phiếu thanh toán ghi “nhà hàng Tháp Bà Làng Chài" trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Nha Trang), cũng bán với giá quá cao, cụ thể: cháo 400.000 đồng, khổ qua xào giá 500.000 đồng cho 2 phần, mồng tơi giá 250.000 đồng/ một phần... đang gây xôn xao dư luận.
Như vậy, câu chuyện “chặt chém” lại một lần nữa được dư luận quan tâm, bởi việc “chặt chém” ảnh hưởng đến chất lượng du lịch, làm suy giảm số lượng du khách và xấu hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Cách làm ăn “chộp giật”, thiếu văn hóa, không nghĩ đến hậu quả…của một số cửa hàng cung cấp dịch cho du khách đã làm xấu hình ảnh, nhiều du khách đã một đi không bao giờ trở lại.
Ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, việc du khách “một đi không trở lại” không phải do chính sách thu hút hay đầu tư cho Du lịch mà là do chất lượng dịch vụ, trong đó chủ yếu là do yếu tố con người. Khách du lịch tới với Việt Nam đâu phải để hưởng thụ khách sạn 5*, tầu cao tốc, siêu thị hàng hiệu hay những thứ tương tự. Những thứ đó ở nước họ có nhiều rồi. Họ đến là vì phong cảnh, văn hóa…. Và những cái đó có khiến họ quay lại hay không thì lại là do con người. Người dân có thân thiện không, có trung thực thật thà không, người phục vụ có cái tâm phục vụ không, có hết mình vì khách không? Cái “tâm” còn quan trọng hơn nhiều so với kỹ năng và trình độ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông Công ty TST tourist, nhìn nhận: "Vai trò của các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm tính hấp dẫn, cạnh tranh của điểm đến cả về giá cả, sự an toàn và vệ sinh là rất quan trọng để giảm tối đa nạn "chặt chém". Có như vậy, du lịch địa phương mới phát triển bền vững, lâu dài".
Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour, cho rằng để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với bạn bè thế giới, ngành du lịch cần có những biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các hoạt động kinh doanh trong việc tăng giá bừa bãi, nhằm duy trì, ổn định giá cả dịch vụ mùa cao điểm. Đây không chỉ là yếu tố nhằm tạo sức cạnh tranh tích cực, hiệu quả của ngành du lịch mà còn thể hiện tính hấp dẫn và sự chuyên nghiệp của ngành công nghiệp không khói trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh hiện nay.
CHÂU ANH