Tòa nhà 8B Lê Trực (Discovery Complex II) là tòa phức hợp 17 tầng với 4 tầng hầm, 5 tầng dành cho trung tâm thương mại và các tầng trên dùng để ở. Diện tích sàn của mỗi tầng là 1.900m².

Sai phạm ở đâu?

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra công trình này của liên ngành thành phố Hà Nội cho thấy chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm trong quá trình thi công.

Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Bên cạnh đó, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m. Nhưng thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương với 5 tầng).

Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m², tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m², tăng trên 6.000 m² so với giấy phép.

Do đó, cơ quan quản lý đã yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án cắt gọt các phần xây dựng sai. Ngày cuối cùng để chủ đầu tư 8B Lê Trực trình phương án cắt ngọn là 15/11 tới đây.

Tòa nhà 8B Lê Trực sẽ phải cắt bỏ ít nhất 5 tầng

Sẽ cắt thế nào?

Khi phân tích về những sai phạm của công trình số 8B Lê Trực, đã có nhiều chuyên gia lo ngại rằng nếu "cắt" hết phần sai phạm thì công trình này sẽ tan tành.

Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà”, TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay.

Theo ông Chủng, việc phá dỡ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt kết cấu của tòa nhà này.

Trước đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 13/10, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho ý kiến: "Chúng ta xử rất nhiều công trình vi phạm, thế nhưng vẫn để xảy ra trường hợp nhà 8B Lê Trực.

Giờ không cần biện pháp gì mới lạ, cứ đúng quy định mà làm thôi. Sai chỗ nào cắt chỗ đấy, xây sai 16m cắt đi 16m, không giật cấp thì yêu cầu giật cấp. Biện pháp khá đơn giản”.

Còn ông Trương Văn Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam thuộc Tập đoàn Phương Bắc, chuyên về phá dỡ công trình, nhận định: Để hoàn thành cắt ngọn, phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực sẽ cần khoảng 5 đến 6 tháng.

Theo ông Hải, thời gian phá dỡ lâu là do khối lượng vi phạm của tòa nhà lớn, xây quá phép đến 16 m, diện tích sàn xây dựng sai phép khoảng hơn 6.100 m². Thêm vào đó, khoảng trước mặt của tòa nhà cũng phải cắt dọc đúng theo giật cấp ghi trong giấy phép xây dựng được cấp.

Về kinh phí, ông Hải ước tính số tiền để "cắt ngọn" tòa 8B Lê Trực có thể lên đến cả chục tỉ đồng.

Với 16m tầng cao sai phạm cùng 6.100m² sàn "quá đà", liệu chăng Chủ đầu tư 8B Lê Trực sẽ chọn ra được phương án "tối ưu" nhất để tháo dỡ những phần sai phạm của mình và trình lên cơ quan có thẩm quyền đúng ngày quy định?

Theo Việt Tuấn (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam