Chả thế mà mặc sơn lam chướng khí, mặc hiểm nguy rình rập, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn phu trầm vẫn ngày đêm lặng lẽ luồn rừng. Nhưng có rất ít người trong số họ kiếm được “lộc” mang về, còn phần lớn đều rơi vào cảnh “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”.

“Đánh bạc” với thiên nhiên

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người dân ở một số tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào đã bắt đầu biết đến nghề đi tìm trầm. Cũng trong ngần ấy năm, người dân nơi gió Lào, cát trắng này nhiều lần phải chứng kiến những cái chết của phu trầm vì rừng thiêng nước độc, phải chứng kiến biết bao cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”, thế nhưng, sự nghiệt ngã đó vẫn không ngăn được nhiều người tiếp tục nuôi ảo mộng nhờ trầm. Bởi, những ngôi nhà khang trang của những phu phất lên nhờ trúng trầm luôn là niềm mơ ước, thế nên ngày qua ngày, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, con theo cha, em theo anh, đoàn người đi về phía rừng chưa bao giờ dứt.

Nghề săn “kỳ hoa dị thảo” chốn rừng sâu

Anh Hồ Văn Ngang: “Nghề trầm sểnh chân là sểnh mạng”

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, trầm hương, kỳ hương có xuất phát từ gỗ thân già mục của cây trầm gió chuyển hóa mà thành; hoặc do một loại nấm gây nhiễm mục nát thân cây trầm gió rồi chuyển hóa tạo nên. Kỳ hương hay còn gọi là kỳ nam được tạo thành từ cây gió lâu năm. Gió có 3 loại thường gặp: gió lưỡi trâu; gió lang và gió bầu. Trầm hương có xuất xứ từ hai loại gió lưỡi trâu và gió lang. Còn cây gió bầu thì tạo thành kỳ nam. Gió tự mọc trong rừng, phát triển thành cổ thụ, thường mọc ở các vùng núi miền Trung. Đông y gọi kỳ nam là "già nam", ngoài ra còn có những tên gọi khác như: già nam hương, mật kết, hổ ban kim ty kết và kỳ nam hương…

Đặc điểm của trầm - kỳ là ở hương thơm, đặc biệt là kỳ. Những vật phẩm chế tác từ kỳ có hương thơm gần như là mãi mãi. Có những đồ trang sức người ta làm từ kỳ nam đeo vài chục năm vẫn còn tỏa hương thơm. Trong đông y, người ta thường dùng trầm để làm thuốc hơn là kỳ, bởi kỳ quá hiếm và đắt tiền. Trầm có tác dụng như bổ nguyên dương; bổ thận khí; trợ tim, trợ sức cho công năng vận hóa của tỳ thận, còn kỳ nam có công dụng chữa trị chứng đi tiểu không cầm được; giúp cho bền vững tinh khí; rất hay trong điều trị các bệnh tiêu hóa, bệnh khí thống......

Vì những lí do đó mà giá cả của trầm và kỳ càng ngày càng tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng vài thập niên trở lại đây, trầm, kỳ trở thành một thứ được săn lùng hơn bao giờ hết. Người ta đổ xô đi tìm trầm, thế hệ này đi trước, thế hệ sau nối gót theo sau. Bỏ lại làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn, con cái cho phụ nữ trông nom. Ngày càng nhiều những ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ có trẻ con, người già yếu và phụ nữ.

Người đi tìm trầm không hẹn ngày về, đa phần kiếm được đồng nào thì gửi tiền về nuôi gia đình thông qua thương lái, còn không thì biệt xứ một vài năm là chuyện thường. Kiếp phu trầm giống như tên gọi vậy, trầm luân khổ ải, chỉ biết hy vọng mà liều bước. Thế nhưng, vì đói nghèo, họ cũng chẳng biết tìm đâu kế mưu sinh ngoài chốn rừng sâu núi thẳm, dù chẳng ai trong số họ có thể đoán trước tương lai xảy ra những gì, là phúc hay là họa. Trong số những phu trầm thì cũng có một vài người trúng tiền tỷ, xây nhà cao cửa rộng, sắm xe sắm cộ, nhưng cũng không ít người tay trắng, phải mang thương tật suốt đời hoặc bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, để lại những người vợ góa chồng và đàn con thơ dại. Chuyện được, mất của phu trầm, chả khác gì “đánh bạc” với thiên nhiên.

Ngậm ngải tìm trầm

Anh Hồ Văn Ngang, một cựu phu trầm mới “giã từ vũ khí”, quê ở A Ngo, Đakrông, Quảng Trị kể: “Thông thường thì phu trầm đi theo từng nhóm, mỗi nhóm từ 3 – 4 người trở lên. Dân trong nghề gọi là xâu. Nhóm sẽ phân chia nhau đổ vào các cánh rừng dựng lán trại, thay phiên nhau tìm trầm, nấu ăn. Trung bình mỗi ngày phu phải lội bộ 20 – 30km để tìm trầm, cuối ngày thì về lại lán. Chuyện đi lạc thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Khi đó chúng tôi phải tìm lèn đá hoặc trèo lên cây cao ngủ qua đêm chờ sáng mới về”.

Cũng theo anh Ngang thì lương thực của các nhóm thường đủ dùng trong một đến hai tháng, may mắn trúng được ít nhiều trầm thì họ ra khỏi rừng gọi điện cho chủ trầm để được chở xuống đồng bằng bán rồi tiếp tục đóng gùi quay vào rừng. Còn nếu như cả tháng không được cái gì thì các phu trầm phải “hãm” gạo lại, tìm thêm rau rừng mà ăn, đập vỏ cây tre nứa lấy nước uống, gắng cầm cự hi vọng kiếm thêm chút đỉnh bù lại tiền đóng gùi. Nhiều xâu trước khi đi còn chuẩn bị thêm “ngải” – một loại dược thảo gần giống sâm giúp phu trầm cầm cự được giữa rừng sâu nếu không may bị lạc đường hoặc gặp thiên tai không về kịp.

“Mỗi khi tới địa điểm tìm trầm, các phu trầm được chủ trầm bố trí cho chỗ ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức từ 2 – 3 ngày. Lúc này dân trầm được các chủ trầm cho ứng tiền để đóng gùi, chuẩn bị gạo, thức ăn, chăn màn, dao rựa, dụng cụ xoi trầm, hương hoa để cúng thần rừng. Khi phu trầm trúng thì bán lại cho họ, trừ nợ”, anh Ngang chia sẻ.

Cứ thế, vì miếng cơm manh áo đã dẫn bước những người đàn ông xa xứ. Dù biết trước rủi ro và những đau thương mất mát khôn tả nhưng họ vẫn lên đường, hệ lụy từ việc vắng bóng đàn ông, vắng bóng trụ cột gia đình cũng bắt nguồn từ đó. Nhưng cám dỗ ước vọng đổi đời từ những mảnh trầm dường như đã ngấm sâu vào tiềm thức của những sơn dân nơi rừng thẳm.

Anh Ngang bảo: “Trong những mối hiểm nguy mà phu trầm phải đối mặt không chỉ là lạc sang rừng các nước láng giềng rồi bị cảnh sát bắt mà là gặp tộc người hung dữ mà chúng tôi thường gọi là Mẹo. Những người Mẹo này hễ gặp phu trầm là giết cho nên nếu gặp Mẹo thì dù có mang trên người rất nhiều trầm trị giá tiền tỉ cũng phải bỏ của chạy lấy người. Rất nhiều xâu trầm bị Mẹo giết chết hết”.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

“Đối với phu trầm, những món lợi khiến họ quên mọi hiểm nguy rình rập. Nhưng, ốm đau bệnh tật, gian truân khổ ải chốn rừng sâu chỉ là rất nhỏ so với đại họa từ những cuộc thanh trừng, cướp bóc và tàn sát đẫm máu. Trong suốt những năm lang bạt, điều khiến tôi lo sợ nhất không phải đến từ thiên nhiên hay thú dữ, mà chính là con người. Lo bị cướp, bị trấn lột, bị đánh đập, thậm chí là bị giết...”, anh Ngang tâm sự.

Vụ 5 phu trầm ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị giết dã man trong lúc đi tìm trầm vào cuối tháng 3/2013 là minh chứng cho sự tàn khốc của nghề “săn lộc rừng” mà những phu trầm như anh Ngang đã và đang phải đối mặt. Vụ án đó không chỉ làm chấn động “nghề trầm” mà còn gây căm phẫn đối với người dân trên cả nước. Giờ, những kẻ máu lạnh giết người không ghê tay ấy đã phải trả cái giá rất đắt cho tội ác của mình. Thế nhưng sự trả giá của chúng có làm người chết sống lại? Có xoa dịu được nỗi đau của người còn sống? Có làm vơi đi gánh nặng cuộc đời?

Nghề săn “kỳ hoa dị thảo” chốn rừng sâu

Chỉ vì mặc cảm với cái nghèo đeo đẳng, hy vọng thay đổi số phận mình bằng viễn cảnh giàu có sung túc khiến 5 người đàn ông biền biệt nơi rừng thiêng nước độc, bỏ lại người thân suốt năm này qua tháng khác với nỗi chờ đợi mỏi mòn. Nhưng tiền bạc, giàu sang đâu không thấy, họ lần lượt nằm lại giữa rừng xanh. Tiếng người mẹ khóc con, người vợ khóc chồng, con khóc nhớ cha vẫn bật lên giữa gió Lào, nắng cháy. Liệu có nỗi đau, mất mát nào hơn thế?

“Kể từ sau vụ 5 phu trầm ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị giết, tôi đã quyết bỏ nghề trầm, về làm thuê cho một xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Thu nhập tuy không cao nhưng an toàn. Thôi thì vợ chồng rau cháo nuôi nhau, có gì ăn nấy, chứ tính mạng con người là quan trọng nhất. Còn người là còn của. Hơn nữa, quanh năm lang bạt rừng thiêng nước độc, bệnh tật triền miên, tiền kiếm được bao nhiêu cũng chỉ đủ đắp đậy thuốc thang. “Sểnh chân, sểnh mạng”, con cái, cha mẹ mình biết phải làm sao?”, anh Ngang tâm sự.

Còn về được, “giải nghệ” với tấm thân lành lặn như anh Ngang cũng có thể coi là may mắn. Bởi theo lời anh kể thì nhiều “đồng nghiệp” của anh đã phải bỏ mạng nơi rừng sâu bởi sốt rét, rắn cắn, hổ vồ, gỗ đè hay bị lũ rừng cuốn mất xác. Có người bị lạc sang Lào, đói khát bệnh tật rồi chết rục giữa rừng xanh. Mãi sau gia đình thuê người đi tìm, lượm nhặt hài cốt để đưa về. Có những phu mòn mỏi đường rừng suốt mấy chục năm ròng, song vẫn không tránh được những trận sốt rét rừng ác tính đến liệt cả chân tay, phải nằm một chỗ hết phần đời còn lại...

Nhọc nhằn, hiểm nguy chực chờ là thế nên ngày càng có nhiều phu trầm biết buông bỏ như anh Ngang, quay về tìm hướng mưu sinh mới. Dường như những bài học về mất mát, đau thương đã làm chùn bước chân của những phu trầm. Vì thế mà số người gùi đồ, lặng lẽ hướng về rừng cũng ngày một ít đi. Âu đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Theo congly.vn