Gần đây, thông tin trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) có món thịt lợn nổi đầy hạch trắng (dấu hiệu của bệnh sán gạo) khiến nhiều phụ huynh lo ngại, không cho con đến trường. Công ty cung cấp thực phẩm cho trường này từ năm 2018 cho rằng thịt lợn không có gì bất thường, được bán với giá không rẻ.
Mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM
Mới đây, trường Mầm non này lại tiếp tục bị phát hiện dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm để nấu ăn cho trẻ. Cơ quan công an đã lập biên bản sự việc và lấy mẫu kiểm nghiệm. Nhiều phụ huynh bức xúc, yêu cầu trường chấm dứt hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm và đưa trẻ đi xét nghiệm sán.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 5/3 đã yêu cầu lực lượng công an phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra nghi vấn thịt nhiễm sán tại trường mầm non Thanh Khương. Ngày 6/3, UBND huyện Thuận Thành đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương.
Nhận biết thịt lợn sạch và thịt lợn nhiễm ký sinh trùng
Theo chuyên gia Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), có nhiều cách để nhận biết thịt lợn sạch và thịt lợn nhiễm ký sinh trùng. Nếu miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim, hoặc thớ thịt có hình sợi hay hình bầu dục to là bị nhiễm giun sán. Miếng thịt lợn cứng, không có sự đàn hồi, không mềm mại... rất có thể đã bị ướp ure hoặc chứa hàn the.
Các chuyên gia khẳng định thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể là điều kiện cho giun sán và các loại ký sinh trùng nguy hiểm đi vào cơ thể.
Ăn thịt lợn gạo - nguy hiểm rập rình
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay cho thấy có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây (lợn gạo)/ấu trùng sán lợn.
Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,… Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.
Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.
Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.
Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.
"Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù" - Bộ Y tế cho biết.
Trong trường hợp người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 - 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như: Gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:
- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).
Võ Thu