Hình ảnh đậu phụ bóp không nát nhưng đốt lại cháy (ảnh cắt từ clip).
Chỉ là hiện tượng cá biệt
Vừa qua, ngày 18/11, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về những miếng đậu phụ kỳ lạ. Theo hình ảnh ghi lại, người rán những miếng đậu phụ lạ này đã dùng tay bóp, vắt nước từng miếng đậu phụ đã được cắt miếng. Tuy nhiên, mặc dù có cố gắng dùng tay bóp, nặn, thậm chí là dùng tay để bẻ đôi miếng đậu, vò từng miếng đậu, nhưng những miếng đậu phụ này chỉ rách ra và có tính đàn hồi rất mạnh.
Theo miêu tả của người đăng tải hình ảnh, khi tiếp tục hơ trên ngọn lửa, những miếng đậu phụ lại có hiện tượng cháy và có mùi khét như đốt cao su. Những hình ảnh này được lan truyền từ một người dùng mạng xã hội tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Ngay sau khi vào cuộc để kiểm chứng và làm rõ trường hợp “lạ” trên, đại diện cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp đã thông tin, sự việc được phát hiện tại xã Châu Cường, đây là trường hợp cá biệt, không phổ biến tại địa phương. Cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp đang tiếp tục xác minh bằng cách giám định để làm rõ chất lượng, cũng như nguồn gốc của số đậu phụ này. Dù cá biệt, nhưng hình ảnh trên được lan truyền với tốc độ “chóng mặt”, đã không chỉ ảnh hưởng lớn đến những người mưu sinh bằng nghề đậu phụ, mà còn khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang về loại thực phẩm thường ngày này.
Đậu phụ giả là thông tin thất thiệt?
Trước sự việc trên, không ít ý kiến cho rằng, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những thông tin thất thiệt, cố tình tạo hiện tượng lạ để câu kéo người xem. Bởi hơn hết, chắc chắn đậu phụ phải được làm từ đậu nành, thành phẩm đậu phụ luôn ướt, không thể tan chảy trên ngọn lửa. Đặc biệt, đậu phụ là món ăn dân dã, thường nhật, không thể bảo quản được lâu mà giá thành của đậu phụ lại rất hợp với túi tiền, nên không có lý do gì để người làm đậu phụ lại kỳ công tạo ra những miếng đậu nghi giả như hình ảnh.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) thẳng thắn: “Mặc dù chưa có kết quả kiểm nghiệm chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng nhìn hình ảnh chia sẻ ta dễ dàng liên tưởng đến việc, những miếng đậu phụ này có sự liên quan đến chất cao su, hoặc có thể hiểu rằng, đậu phụ này được làm từ cao su thì mới dễ cháy và có tính đàn hồi cao như vậy. Tôi cho rằng, đây hoàn toàn là thông tin thất thiệt, câu kéo người xem và không có thật. Vì cao su latec có giá gần 100.000 đồng/1kg, mà giá đậu phụ lại rất rẻ, nên không thể đầu tư cao su vào làm thành đậu phụ để lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi. Không ai làm những chuyện bất thường như thế này. Nếu vì trục lợi thì họ sẽ bán cao su latec để có giá cao hơn”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đậu phụ thật hay giả thì người tiêu dùng ăn sẽ biết ngay. Hơn nữa, đậu phụ chỉ bảo quản được 1 ngày, tức là ăn trong ngày. Nếu lâu hơn nữa thì phải bảo quản bằng tủ lạnh, những dù ở nhiệt độ thấp thì đậu phụ cũng chỉ bảo quản được cùng lắm là 2 - 3 ngày.
Đậu phụ càng lưu trữ lâu sẽ hỏng, hơn nữa việc trữ lâu cũng gây tốn năng lượng. Theo suy luận của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì đậu phụ là sản phẩm làm nhanh bán nhanh nên chắc chắn không ai lại cầu kỳ và dã tâm đưa chất nọ chất kia để làm nên những miếng đậu phụ như trên để bán. Đặc biệt, nếu là ở quê, thì người nông dân chắc chắn không thể hiểu biết để tạo ra những thành phẩm đậu phụ giả để bán. Vì thế, người dùng đừng chỉ dựa vào những hình ảnh thất thiệt mà vội tin, mà hơn hết, phải có cái “đầu lạnh” để phân tích. Tuy nhiên, trước những hình ảnh trên thì cơ quan chức năng vẫn cần vào cuộc và phải có những thông tin chính thức đến dư luận, để người tiêu dùng an tâm”.
Bảo Loan