Phát biểu tại hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược”, sáng 20/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng nhanh chóng.

Thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP (năm 2022), dự báo sẽ tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.

Với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm, y tế của khu vực.

“Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022, với tăng trưởng kép là 10,6%. Sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị.

Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD”, bà Ngọc nói.

 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược”.

 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Việt Nam đã có 228 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất của Tổ chức Y tế thế giới), trong đó có 7 nhà máy sản xuất vắc xin và 06 nhà máy đóng gói thứ cấp vắc xin, 77 nhà máy có sản xuất thuốc dược liệu.

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Luật Dược năm 2016 có quy định chính sách Nhà nước về ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới.

Tuy nhiên các chính sách hiện nay về mua sắm, khuyến khích, hỗ trợ đang tập trung cho việc sản xuất thuốc nói chung, dẫn đến việc các cơ sở sản xuất chủ yếu đầu tư cho việc sản xuất là thuốc thông thường; không chú trọng vào việc nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh.

Việc nghiên cứu, chuyển giao các thuốc công nghệ cao cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian, nguồn lực chất lượng cao, đào tạo. Hiện nay các chính sách, cơ chế để thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất các thuốc này còn hạn chế.

“Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc cũng hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc vào Việt Nam. Đồng thời, quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái cũng còn có vấn đề gây lo ngại cho các nhà đầu tư, tập đoàn trong nước và các cơ sở nước ngoài”, bà Ngọc nói.

Bà Ngọc nhấn mạnh, ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp y dược cần phải có chiến lược đầu tư lại các trang thiết bị, đồng bộ, chuyển giao công nghệ hiện đại; tiếp cận, học hỏi các công nghệ sản xuất dược của các nước tiên tiến.

Đồng thời, cần làm mới, thay đổi lại chiến lược kinh doanh, marketing để nắm bắt thị trường.

Ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group, EuroCham đề xuất: Chương trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

“Việc phát triển ngành y dược phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới", ông Emin Turan khuyến nghị.

Hà Anh

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nghien-cuu-san-xuat-thuoc-cong-nghe-cao-chua-duoc-dau-tu-dung-muc/20230720102113743