Trên thực tế, hiện nay mặc dù cả 2 loại dịch là Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được đẩy lùi, nhưng nguy cơ bùng phát tiếp theo rất dễ xảy ra. Điều này khiến không ít người dân băn khoăn về việc tái đàn lợn mới để cung ứng ra thị trường, dù giá lợn hiện nay rất có lợi cho người chăn nuôi.

Dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi đang khiến ngành chăn nuôi lợn gặp khó khăn

Thời gian qua, giá thịt lợn khiến người tiêu dùng hết sức quan tâm bởi dịch Covid-19 làm giá thịt bị đẩy lên cao mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, ngành phải có biện pháp bình ổn giá.

Tuy nhiên, điều đó rất khó, nguồn hàng khan hiếm, thịt lợn chỉ tập trung tại các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận được giống vì sau đợt dịch tả lợn chết rất nhiều, nguồn hàng càng khan hiếm. Tại các doanh nghiệp, để thịt lợn đến tay người dân thì phải trải qua rất nhiều khâu trung gian, giá đội giá, thịt ra thị trường tiêu thụ phải đội thêm rất nhiều chi phí nên giá rất cao.

Gia đình ông Phong Ngọc Tuất (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, chưa khi nào giá lợn giống cao đến đỉnh như thời điểm này. Điều đó khiến cho các hộ chăn nuôi trại nhỏ lẻ như gia đình ông gặp khó khăn trong chuyện tái đàn. Thời điểm này thấy dịch bệnh tương đối ổn định, gia đình ông rất muốn đầu tư mua con giống về nuôi. Song hiện tại lợn giống khan hiếm, giá khoảng 2,5 triệu đồng/con nên việc tái đàn rất khó vì ông không có khả năng lo đủ tiền để mua con giống.

Người chăn nuôi còn e dè về việc tái đàn lợn. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ban, ngành hiện đang khuyến khích người dân tái đàn để có thể đủ nguồn cung ứng ra thị trường, bình ổn giá trở lại.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số đàn lợn giống và thịt tại Hà Nội hiện nay đang thiếu, việc tái đàn đang được đơn vị khuyến khích người dân triển khai nhưng nhiều người vẫn lo ngại vì dịch bệnh và giá giống khá cao.

Tuy nhiên, Hà Nội đã và đang triển khai tái và tăng đàn, đặc biệt đối với những hộ có quy mô lớn. Việc tái đàn trong thời điểm này cũng cần nghiêm ngặt, giống mua về phải khai báo và có kiểm chứng của chính quyền địa phương. Nếu hộ nào không khai báo nếu xảy ra dịch bệnh sẽ không được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tại thời điểm hiện tại, tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, ngành chăn nuôi lợn cũng vậy, khó khăn hơn khi dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang có khả năng lan rộng khắp cả nước, số lợn thịt, nái, giống chết do dịch càng khiến nguồn cung cầu mất cân bằng, bằng chứng là nước ta phải nhập khẩu thịt lợn với số lượng lớn gấp 300%, việc mà trước kia chưa từng xảy ra.

Từ việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá lợn lên rất cao, thậm chí có loại lên tới 280.000 đồng/kg. Người dân hoang mang trong việc tái đàn là điều đương nhiên, vì thời điểm này đầu tư vào không ăn chắc, giá bán ngoài thị trường cao, nhưng giá con giống cũng cao không kém, đồng thời còn khan hiếm. Hầu hết lợn giống hiện tại đều nằm ở các doanh nghiệp, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể tiếp cận được giống. Việc vay vốn ngân hàng để tái đàn gặp nhiều rủi ro, thứ nhất là lãi ngân hàng rất cao, thứ 2 là đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro.

“Giá giống cao cùng với thua lỗ do lợn chết của người dân trước đó, khiến người chăn nuôi điêu đứng vì vốn, tuy nhiên họ lại băn khoăn khi vay vốn ngân hàng vì lãi rất cao. Nhiều năm qua chúng tôi đã nghiên cứu cũng như kiến nghị lên trên, về việc đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho người nông dân, để họ có thể an tâm phát triển nông nghiệp vững chắc”, ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Thành, việc này cần Nhà nước nghiên cứu cũng như vào cuộc giúp người dân để cùng nhau hỗ trợ phát triển kinh tế nước nhà đi lên.

Để việc tái đàn đảm bảo an toàn, theo Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, các hộ chăn nuôi cần đảm bảo vệ sinh an toàn phòng dịch.

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không được chủ quan, nhiều bà con cứ nghĩ đã làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại bằng cách rắc vôi, khử trùng nhưng hoàn toàn sai lầm vì không làm sạch chuồng trại thì bất cứ khâu khử trùng nào cũng trở nên vô nghĩa.

Người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng vắc xin. Tiêm đúng liều, định kỳ, thường xuyên chứ không đợi dịch bùng phát mới rục rịch tiêm thì lúc đó khả năng phòng dịch đã giảm đi rất nhiều.

"Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vì nếu trong vùng dịch mà anh có chứng nhận cơ sở an toàn dịch thì sản phẩm của anh vẫn xuất bán bình thường mà không cần lo lắng. Đây chính là mấu chốt của việc đảm bảo an toàn sinh học và chăn nuôi bền vững.

Phải khai báo kịp thời vấn đề vệ sinh thú y với cán bộ thú y. Đây là cơ sở để cán bộ thú y lập kế hoạch theo dõi, vừa thuận tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm gia cầm", ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung hướng dẫn người dân tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường. Các địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở trong việc tái đàn lợn bảo đảm theo hướng an toàn sinh học; những hộ chăn nuôi khi nhập giống về nuôi phải khai báo nguồn gốc xuất xứ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đang thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện các ổ dịch...

“Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa việc tái đàn cũng như giá lợn bình ổn trở lại, nhưng điều này còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào?”, ông Sơn cho biết thêm.

Theo Ngọc Hân/Đô Thị Mới