Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 400 triệu người. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trường hợp tử vong do hen, trong đó có khoảng 85% những trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.
Còn ở Việt Nam, tỉ lệ người bị hen phế quản chiếm 5% dân số, ước tính hơn 4 triệu người. Trong đó, tỉ lệ trẻ em bị bệnh là 8 – 12%, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi 12 – 13 tuổi.
Bệnh hen phế quản có liên quan chặt chẽ đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thời tiết giao mùa như hiện nay.
Ảnh minh họa
Bệnh hen phế quản đáng sợ như thế nào?
Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi.
Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí sẽ ngày càng thu hẹp vào. Lúc này người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng khò khè và khó thở vô cùng khó chịu.
Mặc dù tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các bệnh mãn tính khác, nhưng không vì thế mà chủ quan với căn bệnh này, nếu không được phát hiện sớm và có các phương pháp điều trị, kiểm soát cơn hen thì có nguy cơ dẫn đến các biến chứng như: viêm phế quản, khí phế thũng, tâm phế mãn tính, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm tổn thương não, xẹp phổi, tràn khí màng phổi,...
Dấu hiệu và cách đề phòng bệnh hen phế quản tái phát
Mỗi khi thay đổi thời tiết, nếu sức đề kháng kém thì người mắc bệnh dễ xuất hiện những dấu hiệu như: cơ thể mệt mỏi, ngứa họng, ngứa cổ, nghẹt mũi hay chảy mũi, ho nhiều, khò khè, thở nhanh hơn bình thường, khó thở, khi thở ra tăng dần, nặng ngực...
Đối với trẻ nhỏ có biểu hiện mệt hơn bình thường, nằm sẽ khó thở nên cần gối cao đầu hoặc ngồi dậy để giảm bớt cơn thở rít, khò khè nặng nhọc.
Đối với trẻ bị hen phế quản nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để hạn chế cơn hen cấp tính tái phát, bệnh nhân hen phế quản cần lựa chọn thuốc điều trị hiệu quả và chú ý chăm sóc sức khỏe, ngoài ra, cần đặc biệt chú ý những điều sau đây:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn, virut, cảm cúm…
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên dễ gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi hay những thức ăn gây dị ứng.
- Không nên làm việc quá sức, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh xa khói thuốc và khói bụi, đeo khẩu trang khi ra đường và khi tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục hợp lý để nâng cao sức đề kháng.