Theo Vnexpress, ngày 9/1, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP HCM, cùng Trạm bảo vệ thực vật Củ Chi phát hiện nông dân ở xã Bình Mỹ sử dụng nhớt thải để tưới rau muống.
Theo đó, khoảng 9h sáng, tổ công tác bắt quả tang bà Lan đang đổ nhớt thải, thuốc tăng trưởng xuống ruộng rau muống có diện tích khoảng 500 m. Bà Lan khai đổ nhớt thải vào ruộng rau muống nhằm để diệt rầy khi làm việc với công an.
Người dân tưới rau muống bằng nhớt thải. |
Bà Lan cho biết: “Nhớt tôi mua với giá 12.000đ/lít, sau đó bơm ngập nước vào ruộng rau muống rồi đổ nhớt thải vào. Sử dụng nhớt nhằm diệt được rầy, sâu bệnh cao với chi phí thấp”. Bà cũng cho biết không biết việc làm của mình ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước đó, cuối năm 2015, VTC cũng đã thâm nhập vào những ruộng rau muống tại TP Hồ Chí Minh. VTC dẫn lời anh Tháng, quận 12, TP.HCM cho biết anh có nhìn thấy người dân xịt dầu nhớt vào rau muống. Thời gian thu hoạch đến lần cắt tiếp theo chỉ mất khoảng 3 tuần.
Váng nhớt nổi lệnh láng trên mặt ruộng. |
“Ban đầu, tôi cũng không biết họ cho nhớt thải lên rau làm gì, sau đó tôi mới biết là họ làm thể để không bị sâu rầy phá” – Anh Thắng cho biết.
Tại nhiều ruộng, dưới những cọng rau muống xanh non mơn mởn, váng nhớt thải còn vương lại, nhiều ruộng rau còn bốc mùi hôi thối và nồng nặc mùi hóa chất vừa mới phun.
Thông tin những bó rau muống xanh non mơn mởn được bày bán trên thị trường đang được sản xuất theo một quy trình độc hại khiến người tiêu dùng hoang mang.
Những tác hại nghiêm trọng của việc dùng nhớt thải tưới rau muống ra sao?
Ăn rau muống tưới bằng nhớt thải: sẽ bị ung thư
Trên tờ Tuổi trẻ, bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu Phương - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết, nhớt sản xuất từ dầu hỏa là những chất hydrocarbon.
Trong nhớt có chứa những chất phụ gia dùng trong công nghiệp và nhiều kim loại nặng rất có hại. Nhớt bình thường chưa qua sử dụng đã là chất độc đối với cơ thể người. Nhớt đã qua sử dụng còn chứa nhiều chất có độc tính cao hơn.
“Cơ thể con người khi đã hấp thu những chất độc này thì không có cách gì thải ra được. Mỗi ngày chúng ta nhiễm một ít, chất độc sẽ tích tụ trong gan, trong thận hay thậm chí trong não và cơ quan sinh dục, gây suy gan, suy thận, mất trí nhớ, động kinh hay thậm chí là vô sinh, xảy thai, sinh non và ung thư”- BS Lưu Phương cũng chỉ ra tác hại vô cùng nghiêm trọng của nhớt thải.
BS Trần Ngọc Lưu Phương khẳng định đó là những chất không được phép tồn tại trong cơ thể con người. Ngay cả nhớt thải ra ruộng rau muống thì nguồn nước và đất cũng chịu tác động không nhỏ.
Nhiều nông dân trồng rau để bán và để ăn ở hai thửa ruộng riêng, rau nào trồng để ăn thì không phun xịt các hóa chất hoặc tưới bằng nhớt thải.
Tuy nhiên, theo BS Yến Thủy, như vậy cũng không thể đảm bảo an toàn bởi trong quá trình phun xịt, thuốc trừ sâu hay chất nhớt vẫn có thể theo gió bay từ nơi này sang nơi khác. Không những thế, khi phun nhiều chất hóa học ở một chỗ thì nguồn nước và nguồn đất xunh quanh cũng sẽ bị nhiễm độc.
“Chính những người nông dân ấy là những người đầu tiên chịu tác hại khi trực tiếp tiếp xúc với hóa chất qua da, qua hô hấp hay qua tiêu hóa. Vì vậy họ dù không ăn rau nhiễm bẩn nhưng khả năng bị ung thư vẫn rất cao” - BS Yến Thủy nói.
Kẽ hở pháp luật
Khó xử lý hình sự - đó là nhận định của luật sư (LS) Hồ Ngọc Diệp đối với vấn đề xử lý các hành vi sử dụng chất độc hại liên quan đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), người dân ở các địa phương có cơ sở trồng rau phải tăng cường giám sát và lên án những hành vi sai trái. Có thể ghi âm, ghi hình những hành vi này và gửi các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. “Sự thờ ơ của mọi người sẽ góp phần cổ vũ cho hành vi nguy hiểm này. Nếu chỉ dựa vào sự giám sát của các cơ quan nhà nước thì tình trạng này sẽ còn mãi tiếp diễn” - LS Huỳnh Phước Hiệp nói. |
LS Hồ Ngọc Diệp cho biết khi bị phát hiện, phần lớn các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, chứ khó có thể khởi tố vụ án hình sự .
Sở dĩ khó xử lý hình sự là vì điều luật quy định về việc xử lý đối với hành vi này rất khó áp dụng trên thực tế.
Theo tinh thần quy định tại điều 244 bộ luật hình sự (BLS) thì người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
“Như vậy, điều luật chỉ quy định ba hành vi là, “chế biến, cung cấp hoặc bán” mà thiếu đi một hành vi quan trọng là “sản xuất”.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, khâu sản xuất, chăn nuôi và nhất là trồng trọt rau quả và các mặt hàng nông sản nói chung, chính là khâu sử dụng các chất độc hại nhiều nhất” - LS Hồ Ngọc Diệp nói./.