“Người dân chúng tôi không ai đồng ý”
Theo đề xuất, doanh nghiệp Xuân Trường sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với quy mô khoảng 1000ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
“Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1000 tỷ đồng/năm” – công văn số 5360/KH&ĐT-NNS của doanh nghiệp Xuân Trườngnêu.
Có thể nói, đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh với quy mô lớn nằm ngay cạnh Chùa Hương là ý tưởng táo bạo và chất chứa nhiều hoài bão của doanh nghiệp Xuân Trường. Tuy nhiên, khi biết đến đề xuất này, hầu hết những người dân đã gắn bó với du lịch tâm linh Chùa Hương bấy lấu nay đều không khỏi bức xúc, đặc biệt với đề xuất nạo vét, mở rộng suối Yến.
“Người dân chúng tôi sẽ không ai đồng ý việc doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng dự án nối liền chùa Tam Chúc với Chùa Hương. Chùa Hương là khu tâm linh đã mấy nghìn năm, không cớ gì mà lại tác động vào, làm hỏng dòng chảy suối Yến truyền thống. Không thể để cũ mới lẫn lộn được”, bà Đồng Thị Mai, người dân tại thôn Đục Khuê, xã Hương Sơn bức xúc nói.
Cùng nỗi bức xúc này, ông Trịnh Xuân Hinh, xóm 11, thôn Đục Khuê, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội chia sẻ: “Dự án này là quá lớn, lại thu hồi tới 1000ha đất thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hàng vạn nông dân. Nếu đào con kênh, suối Yến chảy về Hà Nam thì dòng chảy truyền thống lễ hội hàng nghìn năm liệu có còn nữa hay không? Người dân chúng tôi lại phải chia bớt công ăn việc làm. Ruộng thì bị thu hồi. Chúng tôi biết dựa vào đâu mà sống?”
Ông Trịnh Văn Giáo, một người dân khác lo lắng: “Chùa Hương là một chốn tâm linh, đồng thời là một danh thắng có giá trị rất lâu đời, đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Trong tâm thức của người dân chúng tôi nó đã thành một lối mòn quen thuộc, cứ đi qua Chùa Hương là phải vào Bến Đục, phải qua suối Yến, phải đi đò dọc thế nhưng hiện nay, Xuân Trường đề xuất nạo vét, mở rộng suối Yến để thông ra với Hà Nam, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến dòng chảy, tác động đến tâm linh mà chúng tôi tôn thờ bao đời nay”.
“Chúng tôi lo ngại Chùa Hương sẽ bị mất đi giá trị tâm linh lâu đời nếu bị doanh nghiệp can thiệp. Nghe nói dự án của Xuân Trường còn đào một con kênh nối khu suối Yến với dự án tâm linh ở Ba Sao, người dân chúng tôi sống nhiều đời ở Hương Sơn, khu vực Chùa Hương linh thiêng e sợ sẽ chạm phong thủy và nguồn nước cũng như công ăn việc làm của các hộ chèo đò. Nên không có chuyện chúng tôi đồng ý để doanh nghiệp tác động vào Khu tâm linh Chùa Hương như vậy. Không phải doanh nghiệp cứ có tiền là muốn làm gì thì làm”, bà Nguyễn Thị Thảo, người dân thôn Đục Khuê nêu ý kiến.
Nhiều người dân cho biết, nếu chỉ tôn tạo lại và xây dựng khu du lịch sinh thái ởxung quanh thì có thể chấp nhận nhưng việc tác động, đào bới, xây dựng các hạng mục công trình, có cả tòa tháp và khách sạn sẽ làm mất đi nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền của Chùa Hương. Bên cạnh đó, Xuân Trường là một đơn vị kinh doanh cá nhân đã từng gây bức xúc dư luận, khiến nhiều người dân vướng vào lao lý trong giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án Tam Chúc - Ba Sao. Đó cũng là một trong những lý do khiến người dân tại Chùa Hương không khỏi lo ngại nếu doanh nghiệp Xuân Trường tiếp tục thực hiện các dự án có liên quan tới khu vực Chùa Hương và xã Hương Sơn.
Dự án khó được phê duyệt vì trái luật
Theo luật sư Trương Anh Tú, đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường đang có nhiều điểm không hợp lý, thậm chí trái luật dẫn đến việc người dân không đồng thuận và khó có thể được phê duyệt. Bởi một dự án muốn xin phê duyệt thì trước tiên, phải xét xem dự án đó có đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư hay không.Trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đầu tư sẽ đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có) (theo Khoản 6 Điều 33 Luật Đầu tư). Ngoài ra, dự án phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội,v.v...
"Dẫn chiếu tới Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì, hiện nay Thủ tướng không có chủ trương quy hoạch địa bàn nêu trên thành khu du lịch tâm linh. Dự án Khu du lịch Hương Sơn có thể nói là không nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, như vậy là không thỏa mãn quy định của Luật Đầu tư nên tôi nghĩ dự án sẽ khó được chấp thuận. Đó là chưa kể phạm vi dự án 1.500ha doanh nghiệp này đề xuất còn có thể chồng lấn vào một số dự án khác đang triển khai, luật cũng không cho phép đầu tư chồng chéo như vậy", luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Bên cạnh đó, theo bản tóm tắt nội dung dự án thì doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất hạng mục nạo vét dòng chảy, xẻ dòng Suối Yến (thuộc khu di tích Chùa Hương) và nạo vét hang động để tạo đường thủy về hướng tỉnh Hà Nam với chiều dài 30km, đồng thời triển khai xây dựng hàng chục hạng mục đan xen tại khu vực có ao, hồ và rừng, núi... Do đó, theo luật sư Trương Anh Tú, việc xây dựng dự án này rất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái khu vực Hương Tích - một trong 3 lá phổi sinh thái của Hà Nội (bao gồm: Hương Tích, Ba Vì, Sóc Sơn).
Từ góc độ pháp lý, Điều 32 Luật di sản văn hóa quy định rằng: Ngoài việc phải bảo vệ nguyên trạng khu di tích quốc gia Hương Tích (khu vực I) thì khu vực bao quanh Chùa Hương Tích (khu vực II) cũng nằm trong đối tượng được bảo vệ và chỉ được xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Như vậy, việc tác động trực tiếp đến dòng chảy của Suối Yến (một bộ phận cấu thành của khu di tích đặt biệt Chùa Hương) trong đề xuất của doanh nghiệp thể hiện việc doanh nghiệp chưa nhận thức sâu sắc quy định của pháp luật về quản lý di sản để đáp ứng các yêu cầu, quy định của luật.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Chùa Hương là di tíchquốc gia đặc biệt, gắn với tín ngưỡng, tâm linh nên việc triển khai dự án du lịch tại đây cần phải được xem xét một cách thấu đáo, tránh ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi.
Báo Lao động dẫn lời của PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Chùa Hương là một di sản văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ nên việc can thiệp vào Di sản phải hết sức cân nhắc, bắt buộc phải đảm bảo yếu tố hàng đầu là tôn trọng nguyên trạng của di sản.Phải đặt ra là đầu tư chục ngàntỷ đồngvào đây thì đã cần thiết hay chưa? Dù là tiền của tư nhân nhưng phát triển di sản phải đảm bảo hài hòa, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5”.
Chung quan điểm,nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du Lịch, ông Vương Duy Biên thẳng thắn cho biết: "Đã là di sản văn hóa thì không được xâm phạm, chúng ta phải tôn trọng không gian di sản. Phát triển du lịch là rất tốt nhưng bên cạnh đó cũng phải có biện pháp gìn giữ, đặc biệt là những di sản quý như Chùa Hương".
Lục Bình