Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”, sáng 4-4, nhiều lực lượng đã được huy động để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội và đóng cửa hàng quán kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.
Đa số người dân thích nghi, thực hiện tốt các quy định
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên cho thấy, ý thức và việc chấp hành của người dân tương đối tốt. Tại nhiều tuyến phố như Nguyễn Chánh, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Nguyễn Tuân, Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), lượng phương tiện đã giảm, đường phố thưa vắng người qua lại. Tình trạng người dân tập thể dục ở hồ Hoàn Kiếm hầu như không còn.
Tại Công viên Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), tất cả lối vào đã được đóng, hạn chế tuyệt đối người dân vào vui chơi và tập thể dục nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Tương tự, tại Công viên Thanh Xuân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng không có người tập thể dục. Thông báo đóng cửa các công viên cũng được dán ở cổng ra vào để người dân biết.
Ông Nguyễn Văn Xoan, nhân viên an ninh tại Công viên Thanh Xuân cho biết, sáng 4-4 cũng có vài người tới công viên tập thể dục, tuy nhiên lực lượng chức năng đã giải thích, thuyết phục và tất cả mọi người đều chấp hành, không vào công việc tập thể dục.
Tại Công viên Lênin (quận Ba Đình), vườn hoa ven hồ Tây trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ)..., những nơi người dân thường có thói quen tập thể dục cũng không ghi nhận trường hợp nào vi phạm, buộc lực lượng chức năng phải xử lý hành chính.
Tại địa bàn phường Gia Thụy (quận Long Biên), ngoại trừ các nhà thuốc, chợ dân sinh, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hầu hết các cửa hàng, nhà dân đều thực hiện nghiêm việc đóng cửa, hạn chế ra ngoài.
Anh Lê Văn Thiềm (ở số nhà 602 phố Nguyễn Văn Cừ) cho biết: “Tôi rất đồng tình và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về việc tạm thời cách ly xã hội. Không chỉ hôm nay mà nhiều ngày qua, gia đình tôi đều hạn chế ra ngoài. Việc ra ngoài chỉ là đi mua thực phẩm, 2-3 ngày một lần”.
"Nghiêm nhưng không hà khắc" là nguyên tắc mà xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai đang áp dụng thực hiện. Nhiều ngày nay, cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã tuân thủ nghiêm cách ly xã hội. Một số hộ đang xây dựng nhà cũng cho thợ nghỉ, tạm dừng thi công công trình từ ngày 1-4 đến khi có chỉ đạo mới. Trong sáng nay, 5 tổ tuần tra của xã, chủ yếu là lực lượng công an, dân quân, trưởng thôn tỏa ra đi kiểm tra địa bàn các thôn.
“Ở xóm 2, thôn Hòa Trúc có một đám hiếu, xã bố trí 1 tổ công tác trực để nhắc nhở mọi người trong gia đình và người thân đến viếng phải giữ khoảng cách ít nhất 2m, đeo khẩu trang và phun dung dịch sát khuẩn ngay khi đến, khi ra về. Tính đến 11h30, toàn xã chưa có trường hợp nào bị xử phạt do không đeo khẩu trang hoặc ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết”, ông Nguyễn Hồng Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết thêm.
Khẳng định ủng hộ, tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, bà Ngô Thị Thoa ở thôn Chùa, xã Sơn Công (huyện Ứng Hoà) chia sẻ: "Gia đình tôi thầu trang trại nuôi vịt, cá… trên diện tích hơn 1ha, hằng ngày chỉ có 1 người ra trang trại cho vịt, cá ăn. Hôm nay, đàn vịt có hơn 30 con đủ trọng lượng xuất bán. Các nhà hàng, quán ăn đều nghỉ nên tôi mang ra chợ bán. Tôi cũng chủ động ngồi cách xa những người buôn bán khác 2m và đeo khẩu trang. Tôi nghĩ việc cách ly của Nhà nước rất đúng đắn. Cách ly là để tự phòng, chống dịch cho mình và gia đình, người thân, chứ đâu yêu cầu những người sản xuất, buôn bán nông sản thiết yếu như chúng tôi không được hoạt động. Đó là tính nhân văn và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ và thành phố".
Vẫn còn tình trạng chủ quan, coi thường bệnh dịch
Bên cạnh những người dân có ý thức chấp hành tốt quy định về phòng, chống dịch, vẫn còn một số người, hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc, coi thường dịch bệnh, khiến các cơ quan chức năng phải nhắc nhở, xử lý.
Phóng viên báo Hànộimới ghi nhận, khoảng 8h ngày 4-4, tại hồ Hoàng Cầu, dù trời mưa, vẫn có người chạy tập thể dục. Tương tự, tại hồ Thiền Quang, tình trạng người tập thể dục, thậm chí câu cá vẫn diễn ra. Tại nhà chờ xe buýt trên phố Trần Bình Trọng có 3 người ngồi ăn uống.
Tiếp tục khảo sát tại khu chợ cóc tại ngõ 85 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, lượng người mua bán vẫn đông đúc, hầu như mọi người không lưu ý giữ khoảng cách 2m theo quy định. Cách chợ vài mét, một cửa hàng bán bánh mì, xôi sáng tại số 1 đường Tân Xuân vẫn “vô tư” bán hàng, bày tủ bánh ngay trên vỉa hè.
Tại khu vực chợ tạm phố Ái Mộ (phường Bồ Đề), chợ Gia Lâm (phường Ngọc Lâm), đều thuộc quận Long Biên, người dân họp chợ rất đông, tràn xuống lòng đường, gần như không giữ khoảng cách an toàn.
Khu vực chợ Cầu Mới vẫn còn hiện tượng họp chợ vào ban trưa gần ga đường sắt trên cao đường Láng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa). Nhận được tin báo, Công an phường Thịnh Quang và Ngã Tư Sở đã có mặt giải tán khu chợ. Tại đầu phố Khâm Thiên, Công an phường Thổ Quan (quận Đống Đa) đã phải nhắc nhở 1 cửa hàng kinh doanh điện thoại vẫn mở cửa.
Đáng lưu ý, khoảng 10h10 sáng nay, nhận được tin báo cửa hàng kinh doanh xe đạp nhập khẩu tại 53D Bà Triệu phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) vẫn lén mở cửa, UBND, Công an phường Hàng Bài, Cảnh sát 113 Công an quận Hoàn Kiếm cùng đại diện tổ dân phố đã tới lập biên bản yêu cầu cửa hàng đóng cửa. UBND phường Hàng Bài cho biết sẽ ra quyết định xử phạt đối với chủ cửa hàng.
Tại các xã: Liên Hiệp, Tam Thuấn, thị trấn Phúc Thọ... vẫn có tình trạng thanh niên tụ tập ngoài đường, một số người buôn bán gia cầm chưa chấp hành quy định đeo khẩu trang khi ra đường và tụ tập đông người. Công an huyện Phúc Thọ cho biết, trong buổi sáng ngày 4-4, các chốt trên địa bàn huyện đã xử phạt 5 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tăng cường kiểm soát, không lơ là
Khảo sát của phóng viên từ 7h đến 8h30 dọc các trục đường hướng vào trung tâm Hà Nội như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, do nhu cầu di chuyển, lại là giờ cao điểm, lượng người và phương tiện (chủ yếu là ô tô) vẫn đông, không vắng như ngày đầu Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội. Tương tự, tại các tuyến phố như Tô Hiệu, Bà Triệu, 19-5, Ngô Thì Nhậm, Chiến Thắng (quận Hà Đông); các tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Ái Mộ, Ngọc Lâm (quận Long Biên)..., người, xe đi lại khá đông đúc.
Do vậy, lực lượng chức năng tại các khu vực này luôn tập trung giữ vững vị trí để bảo đảm kiểm soát tình hình. Tại hai đầu phía Bắc và phía Nam cầu Thăng Long, hai lều bạt dã chiến được dựng lên để kiểm soát người và các phương tiện tham gia giao thông từ hướng Nội Bài vào thành phố và ngược lại. Nhiệm vụ của chốt trực là dừng xe của chủ phương tiện đi qua tuyến đường để cán bộ y tế tiến hành đo thân nhiệt. Trường hợp người tham gia giao thông không đeo khẩu trang và ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị nhắc nhở, yêu cầu quay lại điểm xuất phát.
Ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đã trực tiếp đến hai điểm được cắm chốt trên địa bàn quận là chốt ngã ba Nhổn - Tây Tựu và chốt tại Khu đô thị Ciputra để cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân nếu không có việc cần thiết thì không ra đường. Đặc biệt, đến 11h sáng nay, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm việc người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng, phạt 20 trường hợp với tổng số tiền là 4 triệu đồng.
Đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt sáng nay, ông Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng thôn Cương Ngô (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) thông tin cho phóng viên biết: "Hằng ngày, chúng tôi bố trí 2 người trực chốt, là cán bộ thôn và đại diện tổ chức hoặc đoàn thể thôn, để nhắc nhở, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tại chốt có cồn sát trùng, máy kiểm tra thân nhiệt người đi ra, vào thôn. Nhìn chung, qua 4 ngày thực hiện cách ly xã hội, người dân đi lại rất ít, chủ yếu đi làm đồng, mua thực phẩm và đều đeo khẩu trang, nên chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm".
Không chủ quan, lơ là, nhiều địa phương khác cũng kiên quyết thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, xử phạt những trường hợp vi phạm. Điển hình như địa bàn huyện Phúc Thọ, hầu hết các xã, thị trấn đều thành lập các chốt kiểm tra việc ra/vào của người dân. Ông Nguyễn Phú Sáu tham gia tổ kiểm soát tại điểm chốt xã Hiệp Thuận cho biết, tất cả trường hợp ra và vào xã đều được đo thân nhiệt, phun khử khuẩn và khai báo y tế cụ thể để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ông Lê Ngọc Thực, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức cho biết, xã đã thành lập 6 chốt trên các trục đường liên thôn, liên xã để kiểm soát y tế và 2 tổ tuyên truyền lưu động về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả nhằm thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.