Thị trường mỹ phẩm vô cùng sôi động
Trung bình, một phụ nữ sẽ dùng 2-3 sản phẩm làm đẹp như sữa rửa mặt để rửa mặt cho sạch, dùng kem chống nắng để bảo vệ da, dùng dầu gội đầu và dầu xả để làm sạch và mượt tóc, dùng sữa tắm…
Theo báo cáo của Niesel năm 2017, doanh thu ngành mỹ phẩm Việt đạt khoảng 15.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa phải là nhiều trong khu vực, bình quân chỉ 4 USD một người mỗi năm, trong khi Thái Lan là 20 USD.
Đến năm 2018, lĩnh vực mỹ phẩm đã tăng lên cả về mức độ thường xuyên sử dụng và chi tiêu cho hạng mục này. Số người trang điểm hàng ngày tăng lên con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (2016) xuống 14% (2019). 73% sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất một lần/ một tuần hoặc thường xuyên hơn. Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt.
Còn theo báo cáo của trang nghiên cứu hành vi của người dùng Q&Me thì mỗi năm, số lượng người dùng mỹ phẩm càng tăng lên và tần suất sử dụng sản phẩm cũng vậy (ảnh trên).
Chứng tỏ rằng, thị trường mỹ phẩm ngày càng sôi động, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đưa thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được về mức 0-5% khiến cho giá thành các sản phẩm mỹ phẩm ngoại nhập “mềm” hơn và nhờ đó tiếp cận được người dùng ngày càng nhiều hơn.
Mua mỹ phẩm trực tuyến phổ biến nhất
Với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử và mạng xã hội trong những năm vừa qua, số người mua sắm mỹ phẩm trực tuyến càng ngày càng gia tăng. 57% số người dùng đã từng mua mỹ phẩm trực tuyến và 72% số này đã từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội. Trong đó, Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất để mua sắm mỹ phẩm. Điều này cũng được lý giải là do thói quen dùng Facebook thường xuyên nhất.
Thêm một mạng xã hội bổ trợ cho thói quen mua mỹ phẩm online của chị em là Youtube. Đây không phải kênh TMĐT chuyên bán hàng nhưng lại là kênh chia sẻ thông tin về làm đẹp trực tuyến lớn nhất và không ít người dùng đã mua mỹ phẩm theo những hướng dẫn hay theo các sản phẩm mà các beauty youtuber vẫn dùng.
Ở sàn TMĐT Việt, trang mua sắm mỹ phẩm nhiều nhất theo Q&Me thống kê là trang mua bán tổng hợp Shopee.
Đây cũng là điều dễ hiều khi Shopee được đánh giá là trang có đối tượng chị em phụ nữ nhiều nhất trong các sàn TMĐT ở Việt Nam và được người dùng nhớ đến nhiều nhất khi mua sắm cho các hạng mục: Thời trang, làm đẹp và thực phẩm.
Mỹ phẩm Việt “lép vế” trước hàng ngoại
Theo các thống kê, hiện nay 90% thị phần thuộc các thương hiệu nước ngoài. Chỉ có 10% thị phần là dành cho doanh nghiệp trong nước, chủ yếu ở phân khúc thấp hay bình dân. Trong đó, 30% thị phần thuộc về những ông lớn tới từ Hàn Quốc, EU chiếm 23%, Nhật Bản là 17% và Thái Lan là 13%.
Từ con số trên, có thể thấy người tiêu dùng dường như vẫn chưa tin tưởng vào hàng nội địa sản xuất và tìm đến hàng ngoại nhiều hơn dù cho giá của mỹ phẩm ngoại nhập đắt hơn rất nhiều so với mỹ phẩm Việt.
Có thể lý giải cho điều này là, các nhãn hàng Việt chưa tạo được niềm tin bằng chất lượng sản phẩm và cũng có thể họ chưa có chiến dịch quảng cáo phù hợp đến tay người dùng. Như ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm nhận định “các doanh nghiệp trong nước đều sở hữu những sản phẩm có chất lượng cao song chưa biết quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các thương hiệu nội địa hiện chỉ tập trung vào dòng sản phẩm chăm sóc da mặt và tay chân. Ở các dòng mỹ phẩm khác, hầu như người tiêu dùng chỉ có thể mua được từ các nhãn nước ngoài”.
Mặc dù vậy, với dân số hiện nay đã lên tới hơn 90 triệu dân, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường mỹ phẩm giàu tiềm năng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Theo báo cáo "Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương" của CBRE). Cộng với việc, ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như sự phát triển mạnh từ các hoạt động marketing và phân phối, dự báo sẽ giúp mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp mỹ phẩm nội địa phát triển.