Theo quan niệm dân gian, buổi sáng, trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm cúng ông Công, ông Táo thích hợp nhất. Sáng sớm, đã có rất nhiều người tranh thủ đi mua sắm cho mâm cỗ cúng ông Táo.

Ghé vào các chợ dân sinh, khung cảnh mua sắm ngày ông Công ông Táo tấp nập. Mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là các loại cá chép vàng, cá chép đỏ.

Sở dĩ, nhiều người cho rằng nên cúng ông Táo trước 12 trưa 23 tháng Chạp là vì sau 12h trưa cổng thiên đình sẽ đóng lại và các ông Công ông Táo không thể báo cáo kết quả nữa. 

Trong những ngày này, người dân cả nước đều có làm một mâm cúng ông Công ông Táo về trời. Thông thường, mâm cỗ cúng truyền thống ở miền Bắc bao gồm rất nhiều món. Trong đó, có các món cơ bản như: Gạo, muối, thịt vai lợn luộc, bát canh mọc, món xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, bưởi, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa cúc, tiền vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.

Tại các chợ Nghĩa Tân, Thành Công, hàng Bè... cá chép vàng, cá chép đỏ là mặt hàng rất được quan tâm. Chúng có giá 40.000 đồng/3 con loại nhỏ. Loại vừa có giá từ 20 - 30.000 đồng/con và loại to nhất có giá 50.000 đồng/con.
Người dân tấp nập từ sáng sớm đến các khu chợ lớn bán cá chép để chọn những chú cá chép ưng ý nhất.
Giá 1 cành ly dao động từ 25 - 30.000 đồng/cành, tăng gấp rưỡi so với những ngày trước đó. Các loại hoa cúc, hoa lay ơn, hoa hồng cũng tăng lên 60 - 70.000 đồng/chục, gấp đôi so với ngày thường.
Ngoài cá chép, một mâm cúng còn bao gồm hoa, vàng mã, cành đào, xôi, trầu cau...
Sau khi hoàn thành mâm cúng, người dân sẽ đưa cá ra ao, hồ gần nhà để thả cá chép nhằm mục đích tiễn ông Công ông Táo về trời.
Cá phóng sinh được cho vào chiếc thùng nhựa có buộc dây thòng xuống nước để hạn chế túi nilon xả ra môi trường.
Một vài người dân thì chọn cách ra các bục sát với mặt nước để trực tiếp thả cá.


Theo Tú Anh/Đô Thị Mới