Anh Phan Văn Toán, SN 1976, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đã gắn bó với chiếc đài phát thanh của xã từ khá lâu rồi. Vốn anh tốt nghiệp trung cấp điện, nhưng có lẽ “sinh nghề tử nghiệp” nên sau tai nạn trong một lần sửa chữa điện, anh được ưu ái chuyển về kiêm nhiệm tại đài phát thanh xã Vĩnh Quỳnh. Chẳng học hành qua trường lớp, cũng không qua bất cứ một khóa học chính quy nào, những câu chuyện, những thông tin phát trên hệ thống loa xã qua sự biên tập và giọng đọc của anh trở thành rất thân thuộc của bà con xã Vĩnh Quỳnh.

Công việc trên đài phát thanh xã của anh Toán những ngày bình thường tưởng chừng như nhàn nhã, chỉ ngày hai buổi phát thanh sớm chiều. Nhưng để có những buổi phát thanh ấy, là những giờ anh đọc, chọn lọc văn bản và tự viết, tự biên cho những văn bản khô cứng trở nên dễ hiểu, dễ gần với bà con lại không mất đi những ý, những điều muốn truyền đạt.

Anh Phan Văn Toán, Đài phát thanh xã Vĩnh Quỳnh.

Những ngày toàn dân vào “cuộc chiến” chống Covid – 19, anh lại càng bận rộn hơn. Anh cho biết, từ ngày 31-1, Đài xã đã nâng 4 buổi phát thanh trong ngày (lúc 7g30, 11g30, 17g30 và 21g) bắt đầu từ 1-4-2020 đến ngày 15-4-2020. 60% thời lượng có nội dung về công tác phòng chống dịch. Các nội dung tuyên truyền như: Chỉ thị 16CT/TTg của TT Chính phủ, các Chỉ thị số 03, 04 của UBND thành phố Hà Nội, Chỉ thị số 05 của UBND huyện Thanh trì về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Công văn số 45 của tòa án tối cao, các khuyến cáo của Bộ Y tế… Ngoài ra, vào buổi phát thanh 21g về chuyên đề an ninh trật tự vào các tối thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần, những nội dung này cũng thường xuyên được lồng ghép.

Cái khó trong công tác biên tập tin, bài để phát thanh, đó là tuyên truyền luật pháp về những hành động vi phạm trong phòng chống dịch như không đeo khẩu trang, trốn tránh cách ly, hay việc sử dụng những thông tin không chính xác trên mạng xã hội không đơn giản.

Nhiều người gặp hạn chế là không đồng đều về nhận thức, việc để làm sao mọi người nghe đều hiểu, đều biết được việc mình phải làm qua hệ thống phát thanh không phải chuyện dễ. “Tôi thường lồng các văn bản luật, những điều lệ, những chuyện xử phạt vào những câu chuyện nho nhỏ, những gương thực tế để mọi người dễ nắm bắt.” Anh nói. Các văn bản, điều lệ luật thường khó để mọi người cùng hiểu, cùng nhớ, nên anh chú trọng luôn phát đi phát lại kèm với những thông tin cập nhật. Ừ thì có thể mọi người không thuộc điều nào, chương bao nhiêu, nhưng cũng sẽ hiểu làm việc gì trong lúc chống dịch là vi phạm pháp luật.

Trong thời buổi thông tin bùng nổ, các thông tin thất thiệt, không chính xác đầy rẫy, việc tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn bà con nên đọc, nên nghe ở các kênh nào anh Toán cũng “vơ” vào là nhiệm vụ của anh. Hơn nữa, ở vùng nông thôn, việc đọc ở đâu, nghe cái gì cũng sẽ hạn chế. Thế nên lúc này anh Toán nghĩ, đây là lúc để anh dồn hết tâm sức vào đài phát thanh xã.

Để có được thời lượng phát âm 20 - 30 phút, công việc của anh Toán chẳng hề nhàn nhã. Chuyện thức khuya, dậy sớm cũng là chuyện cơm bữa. “Bởi trong những thời điểm căng thẳng, các cấp lãnh đạo còn họp hành cả ngày, báo chí nửa đêm vẫn tác nghiệp… thì việc tôi chờ cho đến khi có thông tin chính thức bất kể ngày, đêm cũng là chuyện bình thường”, anh Toán nói.

Ngoài những chương trình phát trên đài phát thanh, anh Toán cũng tự mình soạn những văn bản để sử dụng trên hệ thống xe lưu động. Anh cho biết, với những bài sử dụng cho xe lưu động sẽ khó hơn nhiều so với đài phát thanh. Bởi đặc điểm xe lưu động là di chuyển, nên các tin, bài sử dụng phải ngắn, gọn và cực kỳ dễ hiểu để tránh chuyện người ta chưa nghe hết câu thì xe đã lướt đi.

Anh Toán cho biết, từ 31-1 đến 15-4, anh đã biên tập được 64 CTPT gốc, viết được 77 tin bài và khoảng 130 văn bản, tài liệu liên quan đến dịch. Đã sử dụng 32 file ghi âm của các đồng chí lãnh đạo huyện, xã về công tác chỉ đạo chống dịch.

“Cũng chẳng biết bà con có yêu mến không, nhưng ý thức và tinh thần chống dịch của bà con cũng lên rất cao. Ví dụ như trong thời điểm cao trào về chống dịch, chỉ cần nhìn thấy xe có biển số lạ là bà con đã gọi điện ngay lên cho chính quyền để xác minh và làm rõ”, anh Toán vui vẻ.

Làm công tác phát thanh như một niềm say mê, cũng có nhiều người thắc mắc sao anh Toán cứ mãi gắn bó với công việc buồn tẻ và chẳng lợi lộc đó, nhưng với anh, đơn giản nơi nào cần anh, là anh sẽ hết mình. Như thế, anh mới thấy mình sống có ý nghĩa.

Theo Pháp luật & Xã hội