Lợi nhuận khủng, các rạp chiếu phim bùng nổ khắp nơi

Nhu cầu giải trí ngày càng nhiều và nhu cầu xem phim của ngươì Việt cũng ngày càng tăng. Các rạp chiếu phim được mở ra khắp nơi, không những ở thành thị mà các vùng nông thôn.

Hiện tại, cả nước đang có hơn 220 rạp chiếu phim trên khắp các tỉnh thành. Tổng giám đốc của Megastar, ông Brian Hall cho biết, tại Mỹ 1 rạp chiếu đáp ứng nhu cầu xem phim cho 5.000 người, nhưng ở Việt Nam, 1 rạp phải đáp ứng tới nhu cầu của 450.000 người. Chứng tỏ lĩnh vực này ở thị trường Việt đang rất tiềm năng.

Báo cáo tăng trưởng hàng năm của các rạp cho thấy lợi nhuận của lĩnh vực phim chiếu rạp không hề nhỏ. Đơn cử là lợi nhuận của cụm rạp CGV ngày càng tăng theo thời gian. Năm 2015, CGV báo lãi 52 tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau đó, đơn vị này báo lãi 136 tỷ đồng. Tới năm 2018 đã xấp xỉ 200 tỷ đồng.

 

Số lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam

Các rạp chiếu phim được mở ra liên tục tại các tỉnh thành

Với lợi nhuận khủng và có tiềm năng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các trung tâm chiếu phim được mở ra khắp nơi. Hiện nay, dẫn đầu thị trường chiếu rạp đang là CGV, tiếp theo là Lotte. Tính đến năm 2017 thì hai đơn vị này chiếm tổng cộng 77% số lượng rạp chiếu trên cả nước. Ngoài ra còn một số rạp khác như BHD Star Cineplex, Galaxy Cinema,… cũng được rất nhiều người quan tâm.

Thống kê đến tháng 2 năm 2019, CGV áp đảo với số lượng 74 rạp trên toàn quốc, Lotte đứng thứ 2 với 42 rạp. Hai hãng Việt Nam là BHD (BHD Media JSC.) và Galaxy Cinema (Galaxy Studio JSC.) lần lượt có 9 và 14 rạp. Tiếp đà tăng trưởng mạnh và nhu cầu người dùng ngày càng cao, các công ty đang nỗ lực mở rộng kinh doanh. BHD đặt mục tiêu mở thêm 20 rạp vào năm 2020; Beta Cineplex sẽ mở một loạt rạp chiếu mới từ gói đầu tư trị giá 27,5 triệu USD từ Blue HK Investments of Hongkong.

Theo một báo cáo điều tra của KOTRA (Tổ chức xúc tiến mậu dịch Hàn Quốc), 39,6 triệu vé phim (trị giá 104 triệu USD) đã được bán tại Việt Nam trong năm 2015. Dự kiến con số này sẽ đạt 200 triệu USD vào năm 2020.

Nhận thấy nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao, Chính phủ cũng có sự hỗ trợ kịp thời, ra Quyết định 2156 / QĐ-TOT ngày 11/11/2013 với chiến lược đẩy mạnh ngành công nghiệp điện ảnh, đạt số lượng 1.050 rạp chiếu phim, với 210 triệu khán giả mỗi năm vào năm 2030.

Người Việt thích xem phim gì?

Mua vé vào rạp xem phim đang là hình thức giải trí phổ biến đối với nhiều nhóm độ tuổi khác nhau. Không chỉ dành thời gian ngồi trước màn ảnh nhỏ, giờ đây, người Việt thường xuyên đến rạp xem những bộ phim nóng hổi mới ra lò. Có tới 84% dân số từng đến rạp chiếu phim và 55% người Việt đến rạp chiếu phim mỗi tháng 1 lần, thậm chí còn thường xuyên hơn.

Giới trẻ là tầng lớp vào rạp nhiều nhất, tập trung từ nhóm tuổi 16-29. Dễ hiểu khi phần trăm những người đến rạp thuộc độ tuổi này bởi đây là những người có nhiều thời gian, tiếp xúc với văn hóa nhanh và sớm, đã có điều kiện kinh tế hơn nên nhu cầu giải trí của họ cũng cao hơn.

xem phim

Biểu đồ tần suất đến xem phim.

Công ty đo lường Q&Me đưa ra bảng số liệu qua các năm để so sánh và nhận thấy, việc lựa chọn thể loại phim có thay đổi. Năm 2015, phim hài là thể loại được quan tâm nhất khi đến rạp, chiếm đến 71,2% trong số 555 người thường xuyên mua vé. Nhưng đến năm 2019 thì thể loại phim được yêu thích nhất lại là phim hành động, siêu anh hùng với 76% và phim hài xếp ngay sau với 70,9%. Tiếp theo là phim phiêu lưu thám hiểm (54%) và khoa học viễn tưởng (49,9%).

Tuy nhiên, giữa nam và nữ lại có phân tầng rõ rệt. Trong khi nam giới thích thể loại phim hành động thì phái nữ lại yêu thích phim hài. Hơn nữa, phái yếu cũng thiên về những bộ phim tình cảm (50% lựa chọn). Điểm chung ở tất cả các độ tuổi và giới tính là họ đều có xu hướng giải trí với những bộ phim hài.

Người dùng quan tâm đến chất lượng của tác phẩm hơn trước kia

Khán giả ngày càng quan tâm đến chất lượng của các tác phẩm.

Hiệu ứng số đông cũng không còn tồn tại trong quan niệm đến rạp của người Việt. Nếu như trước đây, các nhà sản xuất phải cài cắm cảnh "nóng" hoặc mời những ngôi sao làm yếu tố để "câu khách" thì hiện tại, người xem đã không còn mặn mà với những phim không có nội dung hoặc nội dung nhạt nhẽo. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn. Với sự bùng nổ của Internet, thông tin review phim là kênh tham chiếu có ảnh hưởng lớn nhất trong việc chọn phim xem rạp. Tiếp theo là lời khuyên của bạn bè cũng đóng vai trò lớn.

Các nhà làm phim đang học cách mang đến những bộ phim thực tế, giải trí ở mức độ vừa phải nhưng vẫn đọng lại sâu sắc. Nếu như fan phim nước ngoài yêu thích những bộ phim siêu anh hùng kinh điển thì khán giả của dòng phim trong nước lại chuyển hướng sang các bộ phim quay ngược thời gian, lấy bối cảnh lịch sử cũ như “Cô Ba Sài Gòn”; “Tấm Cám chuyện chưa kể”,… hoặc một số bộ phim mùa nào thức nấy như “Nhắm mắt thấy mùa hè”; “Tháng Năm rực rỡ”,…

Theo Mộc Anh/Đô Thị Mới