Qua con số thống kê, Cục Quản lý cạnh tranh ghi nhận tháng 2 và tháng 4 là hai tháng có số vụ việc yêu cầu tư vấn, phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhất. Nguyên nhân là do đây là thời điểm gần Tết nguyên đán và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhu cầu mua sắm tăng cao trên cả nước, vì vậy, rất nhiều vi phạm về tiêu dùng đã xảy ra.
Thêm vào đó, trong tháng 3 có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) trên phạm vi cả nước, các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về công tác bảo vệ quyền lợi của chính mình và làm tăng số lần "phàn nàn" của người dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong số 270 vụ việc liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì có tới 33% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng - chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 20%, cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8%) và các hành vi khác (21%).
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm qua, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày với 52 vụ việc khiếu nại, phản ánh, chiếm khoảng 19%.
Tiếp đó là nhóm đồ điện tử gia dụng với 43 vụ việc, chiếm 15,8% và nhóm điện thoại, viễn thông với 38 trường hợp, chiếm 14%.
Đây là 3 ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Ngoài ra, khi phân chia các vụ việc khiếu nại, phản ánh theo khu vực thì Hà Nội và TPHCM tiếp tục là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng với 70 và 75 vụ việc, chiếm 53,5%.
Các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều thứ hai là Đồng Nai và Nghệ An, chiếm 6% các vụ việc khiếu nại. 40% khiếu nại còn lại nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố khác.