Người tiêu dùng thích đi siêu thị hơn chợ
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Niesel về xu hướng mua sắm toàn cầu, người Việt hiện ưu tiên mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi hơn là đi siêu thị.
Trung bình năm 2018, người Việt mua hàng ở cửa hàng tiện lợi 4,5 lần/tháng, gấp 3 lần so với năm 2010 chỉ có 1,24 lần.
Lý giải cho điều này, đại diện của Niesel cho rằng, việc khách hàng sống tại các thành phố lớn ngày càng có ít thời gian hơn khi đối mặt với kẹt xe, nơi làm việc xa chỗ ở và buộc phải chọn những địa điểm mua sắm tiện lợi nhất.
Còn theo báo cáo của dịch vụ nghiên cứu thị trường Q&Me, năm 2018 chuỗi cửa hàng tiện lợi đã tăng đột biến lên 21% với sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn có mặt tại thị trường như Vinmart+, Circle K, Shop & Go, Ministop, B’s Mart, Family Mart và các đại gia ngoại mới đặt chân vào Việt Nam trong 18 tháng qua như 7-Eleven, GS 25.
Hơn nữa, tên gọi chung là “tiện lợi” đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng Việt, khi những cửa hàng này rải khắp các ngõ ngách và đa dạng đồ dùng, thanh toán nhanh chóng. Ở các cửa hàng này còn có cả wifi, có cửa hàng còn phục vụ đồ ăn nóng sốt, có thể là nơi trò chuyện và thư giãn.
Đặc biệt với nhóm độ tuổi từ 16-29 rất yêu thích ăn uống ở các cửa hàng tiện lợi, chiếm 80% số lượng người khảo sát.
Người Việt dường như có xu hướng thờ ơ hơn với chợ truyền thống khi chỉ đi chợ khoảng 18,86 lần mỗi tháng, giảm 2/3 so với năm 2010. Với siêu thị cũng bị giảm xuống từ 3,26 lần (2010) xuống còn 2,45 lần (2018).
Người Việt chọn món gì nhiều nhất?
Snack, mì ly ăn liền và lẩu là top 3 món ăn phổ biến được gọi ăn khi người Việt đến cửa hàng tiện lợi, nhất là trong khung giờ 12 - 13h. Mì ly ăn liền được ăn phổ biến vào giờ ăn trưa và ăn tối, trong khi đó snack được mua ăn không kể thời gian nào trong ngày.
Dường như thức ăn nhanh là thị trường vô cùng béo bở. Dữ liệu trang thống kê Statista công bố cho biết người Việt chi 379 triệu USD (hơn 8.800 tỷ đồng) cho snack, lượng tiêu thụ trên đầu người là 0,7 kg.
Các món khác được gọi nhiều là mỳ do cửa hàng làm, đồ tráng miệng, cơm hộp trưa, đồ rán, bánh mỳ, cơm nắm và hoa quả. Trong khi đó, cơm là món truyền thống của người Việt thì chỉ xếp thứ 6. Có thể, buổi trưa công sở người Việt không tiện ăn cơm hoặc món cơm chiếm thời gian khá lớn khiến cho các món đồ ăn nhanh được chọn lựa nhiều hơn.
Nước lọc, nước có ga là hai thức uống bán chạy nhất, trong khi ít người gọi bia và đồ có cồn hơn cả, chỉ chiếm 2%.
Xu hướng này đi cùng với xu hướng của người tiêu dùng trên toàn cầu. 33% số người trong khảo sát dùng dịch vụ giao đồ ăn hoặc ăn tại nhà hàng. 57% đến nhà hàng thức ăn nhanh 6 tháng qua và 39% chọn thức ăn ngoài hàng mỗi tuần.