Phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã có lúc rơi xuống mức 1.306,26 USD/ounce, thấp nhất kể từ 1/9. Tính chung cả tuần giá của kim loại quý này đã giảm 1,5%, ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần qua.
Những dấu hiệu của nền kinh tế Mỹ đang khiến cho triển vọng Fed nâng lãi suất trong phiên họp tháng 9 này vẫn rất mờ nhạt. Còn với thời điểm tháng 12, theo kết quả khảo sát của Reuters, có tới 70% nhà kinh tế học tin tưởng Fed sẽ nâng lãi suất.
Trong tình thế khó phán đoán hướng đi tương lai của vàng, đa phần nhà đầu tư đều chọn cách bán tháo vàng ra để chốt lời hoặc thu hồi và bảo toàn vốn để chờ đợi kết quả từ cuộc họp điều chỉnh lãi suất của Fed.
Nhận định về chuyển động của giá vàng tuần mới, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều không có cái nhìn tích cực.
Kết quả khảo sát Wall Street phản ánh sự bất ổn trên thị trường khi hầu hết các nhà phân tích không chắc chắn về diễn biến của giá vàng trong ngắn hạn. Trong số 13 nhà phân tích và chuyên gia tham gia khảo sát, 38% cho rằng giá vàng tuần mới tăng, trong khi 31% nhận định giá giảm và 31% dự đoán giá đi ngang hoặc có ý kiến trung lập.
Cả tuần qua, giá vàng liên tục chịu áp lực, nhất là sau một loạt số liệu kinh tế Mỹ được công bố, càng khiến thị trường bất ổn hơn về thời điểm Fed nâng lãi suất. Giá vàng giao tháng 12/2016 trên sàn Comex giảm 7,8 USD xuống 1.310,2 USD/ounce, sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 USD/ounce.
Chịu tác động từ giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng trôi qua một tuần buồn tẻ. Phiên cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại một số doanh nghiệp đã chính thức rời mốc 36 triệu đồng/lượng và hiện đang loanh quanh sát ngưỡng 36 triệu đồng/lượng.
Mức cao nhất ghi nhận: trong tuần của vàng miếng SJC là 36,25-36,31 triệu đồng/lượng (muua vào-bán ra). So với mức giá đỉnh của tuần trước, giá vàng tuần này giảm khoảng 430 nghìn đồng mỗi lượng.