Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã làm tăng chi phí đầu vào, DN khó tận dụng được ưu đãi thuế quan bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã làm tăng chi phí đầu vào, DN khó tận dụng được ưu đãi thuế quan bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Cùng với quá trình hội nhập và sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là về nguyên liệu.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ và thuế xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao, trong khi đó, khách hàng tại các quốc gia này ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam.

Mỗi năm ngành nhựa Việt Nam cần trung bình 2 - 2,5 triệu tấn nguyên vật liệu, nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 75 - 80%. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã và đang làm tăng chi phí đầu vào theo giá nguyên liệu nhập (giá nguyên liệu chiếm từ 60% đến 70% giá thành sản xuất) và tăng rủi ro tỷ giá, giảm sự chủ động, sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế quan bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa.

Sang năm 2019 và kết thúc quý 1/2019, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và tăng 1,0% trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 3/2019, Việt Nam đã nhập 540,9 nghìn tấn, trị giá 783,38 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và 39,5% trị giá so với tháng 2/2019.

Trong quý 1/2019, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc đạt 254,75 nghìn tấn, trị giá 406,89 triệu USD, tăng 12,19% về lượng và 5,46% trị giá so với cùng kỳ, riêng tháng 3/2019 cũng nhập từ thị trường này 89,1 nghìn tấn, trị giá 140,45 triệu USD, tăng 17,52% về lượng và 19,23% trị giá so với tháng 2/2019.

Đứng thứ hai là thị trường Saudi Arabia đạt 246,1 nghìn tấn, tị giá 270,72 triệu USD, tuy nhiên tốc độ nhập từ thị trường này sụt giảm 11,38% về lượng và 21,74% trị giá so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trong quý đầu năm nay Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu từ thị trường Mỹ, tăng gấp 4,9 lần về lượng (tương ứng 389,68%) và gấp 2,9 lần trị giá (tương ứng 194,9%), đạt lần lượt 143,16 nghìn tấn, trị giá 185,45 triệu USD. Giá nhập bình quân từ thị trường này giảm 39,78%, chỉ với 1295,45 USD/tấn.

Nhưng ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập từ thị trường Nga, giảm 99,69% về lượng và 97,25% trị giá, tương ứng với 9 tấn, trị giá 97,5 nghìn USD. Giá nhập bình quân 10841,33 USD/tấn, tăng gấp 8,9 lần (tương ứng 785,67) so với cùng kỳ - đây cũng là thị trường có giá tăng mạnh nhất. Ngoài ra, cũng giảm mạnh nhập khẩu từ thị trường Nam Phi và Brazil với lượng giảm lần lượt 78,68% và 74,53%.

Vậy, để giảm nhập khẩu nguyên liệu nhựa trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành nhựa cần chủ động tái cơ cấu đầu tư hoặc tăng cường năng lực nghiên cứu, tập trung đầu tư máy móc, theo chuẩn công nghệ mới và phát triển ngành hóa dầu trong nước… nhằm giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Theo congluan.vn