Trở lại "xóm chạy thận" tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui và sự phấn khởi trên khuôn mặt mỗi bệnh nhân.

Sau khi được dỡ cách ly (ngày 13-4), đặc biệt kể từ ngày Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, xóm trọ trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, bởi lúc này có rất nhiều người thân của các bệnh nhân từ các tỉnh lên thăm. Nhịp sống của những bệnh nhân “xóm chạy thận” ổn định trở lại.

Người dân “xóm chạy thận” phường Đồng Tâm luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

Niềm vui đầy ắp xóm trọ nghèo

Trưa 30-4, vừa trải qua gần 4 tiếng nằm lọc máu tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, ông Phạm Xuân Trường, 56 tuổi, quê ở huyện Nam Trực (Nam Định) thuê xe ôm chở về “xóm chạy thận”. Thấy chồng về đến đầu ngõ, bà Vũ Thị Ngát, vợ ông Trường ra đỡ ba lô và thong thả cùng chồng về nhà. Trong gian nhà trọ nhỏ, vợ chồng ông Trường ngồi trò chuyện, rồi ăn cơm rất vui vẻ.

“Tôi rất mừng vì dịch Covid-19 tại Hà Nội đã được kiểm soát. Từ nay, những bệnh nhân nặng như tôi sẽ giảm được nỗi lo canh cánh trong lòng. Đặc biệt, được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các nhà hảo tâm, chúng tôi không còn thiếu thốn như trước” - ông Trường chia sẻ.

Khi cuộc sống trở lại bình thường, thay vì phải ở yên trong nhà như những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch, mấy ngày gần đây, ngoài thời gian đi điều trị tại bệnh viện, thi thoảng ông Trường đeo khẩu trang đi ra ngõ hóng mát hoặc sang trò chuyện với mấy bạn già trong xóm. Còn bà Ngát - vợ ông, ngoài việc chăm lo cho chồng, hằng ngày cũng tranh thủ đi làm thêm, kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

Không khí ấm cúng, vui vẻ cũng luôn tràn ngập trong gian nhà rộng chưa đầy 10m2 của bệnh nhân Dương Thị Hoài, 65 tuổi, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. 11 năm liên tục lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe có giảm sút nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hoài luôn lạc quan. Chỉ tay về phía cuối gian nhà trọ, bà Hoài phấn khởi nói: “Đây là các phần quà gồm gạo, mì tôm, trứng và các nhu yếu phẩm mà các tổ chức, cá nhân trao tặng trong đại dịch Covid-19. Sự chia sẻ này thực sự giúp chúng tôi vơi đi khó khăn trong cuộc sống. Tôi thực sự cảm động vì trong lúc dịch bệnh, chúng tôi không bị bỏ lại phía sau. Càng trân trọng những tình cảm, sự quan tâm các cấp, các ngành và cộng đồng dành cho, chúng tôi càng nỗ lực để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống".

Cuộc sống ổn định trở lại với các bệnh nhân “xóm chạy thận”. (Trong ảnh: Bà Trương Thị Thu, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đang chuẩn bị bữa cơm trưa).

Không riêng vợ chồng ông Trường hay bà Hoài, hơn 120 thành viên của “xóm chạy thận” đã trở lại với nhịp sống trước đây. Chia sẻ với phóng viên, Trưởng “xóm chạy thận” Mai Anh Tuấn (sinh năm 1976; xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) - người đã 24 năm "bám trụ" Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận, cho biết: "Khi dịch bùng phát, ngoài thời gian đi lọc máu (2 đến 3 lần/tuần) tất cả các bệnh nhân trong xóm đều ở trong nhà phòng dịch. Thế nhưng hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát, nhịp sống ổn định trở lại, tôi và các bệnh nhân có sức khỏe trong xóm đều đi làm thêm trở lại để kiếm thêm thu nhập…”.

Cùng nhau vươn lên trong cuộc sống

Khi dịch Covid-19 bùng phát, những bệnh nhân trong “xóm chạy thận” là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, vì tất cả họ đều mắc bệnh nền, lại thường xuyên ra vào cơ sở y tế điều trị bệnh. Mỗi người một hoàn cảnh và hầu như ai cũng khó khăn nhưng điều đáng quý ở “xóm chạy thận” này là tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ luôn lan tỏa. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau vượt khó, vươn lên trong cuộc sống để chiến thắng bệnh tật.

Do sức khỏe yếu, nhiều bệnh nhân chạy thận phải nhờ tới sự chăm sóc của người thân.

Ở “xóm chạy thận”, một trong những bệnh nhân đang gặp khó khăn phải kể đến bà Vi Thị Lành, 60 tuổi ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. 11 năm trọ ở đây thì cũng ngần đó năm bà quanh quẩn 1 mình. Song, ở xóm nhỏ này, mọi người luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau nên bà cũng thấy ấm lòng.

Còn chị Đỗ Thị Hồng Thanh, 28 tuổi, quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xúc động nói: "Tôi mới đến xóm được 6 tháng nay. Là một trong những bệnh nhân nặng, tôi không đi lại được nên chồng tôi phải lên chăm sóc. Nhưng ở xóm này, mọi người luôn yêu thương, đùm bọc, coi nhau như người thân trong gia đình, sẵn sàng giúp đỡ vợ chồng tôi lúc khó khăn. Đây là nguồn động viên lớn để tôi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng bệnh tật".

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho biết: "Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn gian nan, song nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay chúng tôi có thể thở phào vì tất cả các bệnh nhân chạy thận thuê trọ trên địa bàn phường đều khỏe mạnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân cao tuổi trong “xóm chạy thận”".

Bữa cơm của bệnh nhân chạy thận khi cuộc sống ổn định trở lại.

Có lẽ, không phải nói nhiều, ai cũng hiểu được những gian nan mà các bệnh nhân chạy thận nơi đây đã trải qua, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Vì đặc thù căn bệnh, họ phải gắn bó lâu dài với bệnh viện nên hầu hết phải "bám trụ" tại xóm trọ. Song, trong gian khó, lại càng lấp lánh tình người khi họ không cô đơn, bởi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ cả vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của thành phố và các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vẫn có nhiều cơ quan, đơn vị, nhóm từ thiện, nhà hảo tâm tiếp tục đến động viên, chia sẻ với bệnh nhân tại “xóm chạy thận”, trao tiền và nhiều nhu yếu phẩm khác như gạo, trứng, mì tôm, đường, sữa, nước mắm, dầu ăn… Những phần quà tuy nhỏ nhưng là động lực để các bệnh nhân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và yên tâm điều trị.

Trong câu chuyện với những bệnh nhân ở xóm trọ này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự lạc quan ở mỗi người. Họ luôn được sống trong sự đùm bọc, sẻ chia. Dẫu cuộc sống phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi bệnh nhân trọ tại đây luôn nỗ lực hết mình, hướng về phía trước và mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến.

Theo Hà Nội Mới