“Địa chỉ đỏ” của cách mạng
Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, xã Đông Mỹ , huyện Thanh Trì được coi là cái nôi của phong trào cách mạng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên tiên tiến của xã, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đã sớm giác ngộ lý tưởng. Đến cuối năm 1938, Chi bộ thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ được thành lập gồm 3 đảng viên ban đầu, là chi bộ đảng đầu tiên ở phía Nam Hà Nội.
Trong thời kỳ này, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã về Đông Mỹ chỉ đạo phong trào cách mạng như: Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Phan Trọng Tuệ… Trung ương đã đặt ở Đông Mỹ cơ quan giao thông, cơ quan ấn loát. Xứ ủy Bắc Kỳ cũng đặt cơ sở chỉ đạo, liên lạc tại đây. Nhiều quần chúng cách mạng của Đông Mỹ đã trở thành cán bộ giao liên, làm nhiệm vụ đưa, đón cán bộ trung ương về hoạt động, chuyển công văn, tài liệu…
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dành nhiều tình cảm với quê hương, hay về thăm, căn dặn cán bộ, chính quyền xã phải chăm lo cho nhân dân. Ảnh tư liệu
Phong trào đấu tranh cách mạng của xã Đông Mỹ đã đóng góp đáng kể cho bước phát triển mới của cách mạng thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939 ở vùng Hà Nội, Hà Đông.
Một trong những địa chỉ nuôi giấu cách mạng nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ của xã là Nhà thờ họ Nguyễn Duy. Những năm 1939-1941, căn hầm bí mật đặt tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy là địa điểm hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi nuôi giấu các cán bộ Xứ ủy về chỉ đạo phong trào cách mạng, nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, họp bàn kế hoạch xây dựng phong trào kháng chiến…
Mỗi lần về quê, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thường thăm và trò chuyện cùng các cụ lão thành cách mạng. Ảnh tư iệu
Trong số các cán bộ chủ chốt tại địa phương có đồng chí Đỗ Mười, một người con của dòng họ Nguyễn Duy (tên khai sinh của ông là Nguyễn Duy Cống).
Ngoài dòng họ Nguyễn Duy, nhiều gia đình trong xã Đông Mỹ đã đóng góp của cải, giúp bộ đội mua lương thực, thuốc men, súng đạn, sẵn sàng hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay.
Lãnh đạo xã Đông Mỹ cho biết, lần về thăm quê gần nhất của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười diễn ra năm 2015. Ảnh tư liệu
Với những đóng góp to lớn, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Mỹ vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.
Vị lãnh đạo giản dị, gần dân
Nhắc đến cái tên Đỗ Mười, người dân xã Đông Mỹ luôn tỏ rõ sự kính trọng, sự biết ơn vô ngần. “Dù công việc bận rộn ông vẫn giành một sự quan tâm đặc biệt đối với quê hương Đông Mỹ. Khi còn khỏe, hầu như năm nào ông cũng về quê thăm hỏi, động viên nhân dân làm ăn.
Mỗi khi về thăm, câu hỏi đầu tiên ông dành cho các vị lãnh đạo xã đều là năm nay xã còn bao nhiêu hộ nghèo, có bao nhiêu hộ giàu, tình hình đời sống nhân dân ra sao? Rồi ông căn dặn các vị lãnh đạo phải biết chăm lo cho đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển để số hộ nghèo giảm đi, số hộ giàu tăng lên”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Lê Tuấn Minh kể chuyện.
Ngôi nhà cấp 4 ở xã Đông Mỹ - nơi sinh ra và lớn lên của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Cũng theo lời ông Minh, dù từng là một vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất gần gũi với nhân dân, có lối sống giản dị vô cùng. Hàng năm cứ vào ngày sinh nhật của ông là mọi người lại lên ngôi nhà trên phố Phạm Đình Hổ để chúc mừng. Rồi vào những ngày lễ Tết, ông lại về quê thăm hỏi tình hình đời sống nhân dân, chúc Tết các vị lão thành trong xã.
Bà Nguyễn Thị Kim Thư, Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ bày tỏ: “Trên cương vị Tổng Bí thư, năm 1996, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về quê và trồng tặng địa phương cây đa trong khuôn viên UBND xã. Cây đa đó giờ đã vô cùng xanh tốt”.
Hơn 20 năm trôi qua, cây đa ông Đỗ Mười trồng giờ đã thành cây cổ thụ.
Thực hiện lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về công tác xóa đói giảm nghèo trên địa phương, đến nay, xã Đông Mỹ chỉ còn 0,81% hộ nghèo. Xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới và được công nhận năm 2014, trở thành xã điểm nông thôn mới của huyện Thanh Trì. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.
Dù biết quy luật của cuộc sống sinh lão bệnh tử nhưng nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời, ông Minh, bà Thư cũng như những người dân xã Đông Mỹ ai nấy đều bùi ngùi xót thương. Đây là sự mất mát rất lớn đối với Đảng, Nhà nước nói chung và những người con xã Đông Mỹ nói riêng.
Ngôi nhà này là nơi gắn bó với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Lãnh đạo xã Đông Mỹ cho biết, mặc dù chưa có thông tin chỉ đạo từ trên về việc tổ chức tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhưng bà con quê hương đã chuẩn bị chu đáo và rất mong được đón ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương Đông Mỹ…
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần hồi 23h12 ngày 1/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 101 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Nguyên Tổng bí thư được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 9/1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ông Đỗ Mười được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị và Thường trực Ban bí thư. Hai năm sau, Quốc hội bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị, giữ chức Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng (6/1991 - 12/1997).
Ông là đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII, IX và được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.