Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi

BSCKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo 2019 là năm chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát vào 2014. Do đó, người dân không chủ quan khi người bên cạnh mắc bệnh sởi.

dich-soi

Người lớn và trẻ em nên ý thức về việc tiêm phòng sởi (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân trong 3-4 ngày đầu phát hiện bệnh có thể điều trị ngoại trú và theo dõi cách ly tại nhà. Gia đình khi có người thân mắc sởi, cả nhà nên mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay, chân sạch sẽ và bổ sung vitamin C.

“Bệnh nhân tuần đầu phát ban nên hạn chế đường và tiếp xúc với người ngoài để tránh lây lan và chỉ nên nhập viện điều trị khi có biến chứng”, bác sĩ Hoa nói.

Tiêm phòng sởi cho trẻ em mấy mũi là đủ?

Theo lịch tiêm phòng vắc-xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng như sau: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

- Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

- Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng.

- Đối với vắc xin tiêm chủng dịch vụ: tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả các lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi.

- Có thể tiêm phòng vắc xin phối hợp 3 trong 1 Sởi - Quai bị - Rubella khi trẻ 12 tháng tuổi. Tiêm 1 mũi cho trẻ vào tháng thứ 12 cho đến tháng thứ 15; tiêm nhắc lại một mũi sau 2-5 năm.

Tiêm phòng sởi có sốt không?

Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm…Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Có được tiêm vắc xin khi đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính hay không?

Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm. Khi khỏi có thể tiêm được.

 

Theo Giadinhvietnam.com