Và đối với mỗi vùng miền, các phong tục tập quán khác nhau dẫn đến những điều kiêng kỵ cũng khác nhau.

Trong ngày đầu năm, người miền Bắc rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió..

Ngoài ra, họ cũng kỵ mai táng. Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.

Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Người miền Bắc cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc tiền vô như nước, nếu cho nước thì coi như mất lộc.

Trong ngày này, mọi người còn kiêng quét nhà vì theo một điển tích của Trung Quốc, nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. 

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay thì mọi người chỉ kiêng kị điều này trong sáng mùng 1 Tết hoặc ngày mùng 1.

Thêm vào đó, trong ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay.

Người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn.

Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

Đặc biệt, ngày mùng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành nên tránh ngày này và thường xuất hành vào ngày mùng 4 hoặc mùng 6 âm lịch.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Reatimes