1. Đừng nghĩ đứa trẻ nào cũng vô tội
Khi đi trên đường, nếu bạn bỗng dưng thấy một đám nhóc tay cầm tờ báo vây quanh lấy mình thì hãy đề phòng. Rất có thể chúng đang cố tiếp cận bạn, sau đó quạt những tờ báo đã tẩm thuốc mê khiến bạn mất ý thức rồi cướp luôn ví tiền hay túi xách của bạn đấy. Đây là mánh khoé lừa đảo khá phổ biến ở Rome trong thời gian qua.
2. Nhờ vả cầm hộ đồ có giấu hàng cấm qua hải quan sân bay
Mới đây, trên Internet có đăng tải một video cảnh báo khách du lịch về thủ đoạn lừa đảo của những kẻ vận chuyển ma túy qua sự kiểm soát an ninh ở sân bay. Theo đó, mục tiêu của những kẻ này hướng tới các khách du lịch dễ tin người, tốt bụng, lợi dụng họ để qua mặt nhân viên an ninh.
Ma túy được giấu rất chuyên nghiệp giữa những chai nước được chế tạo đặc biệt, sau đó ngụy trang giống như một chai nước thông thường. Kế đó, những kẻ lừa đảo sẽ nhờ một khách du lịch bất kỳ cầm hộ, đi qua trạm kiểm soát an ninh, hoặc giả là khi chúng thấy nguy hiểm để cần tẩu thoát. Nếu nhẹ dạ cả tin, hành khách có thể vô tình tiếp tay cho tội phạm mà không hề hay biết.
Ở nhiều quốc gia, nếu bị phát hiện sở hữu thuốc cấm hay ma túy, bạn có nguy cơ đối mặt với án tử hình. Vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào, tốt nhất là không nên cầm hộ đồ cho người khác. Nếu cảm thấy ngại, hãy gợi ý họ tìm đến sự giúp đỡ của nhân viên sân bay.
3. Lấy cắp đồ ở sân bay
Tại một số sân bay, kẻ gian thường cố tình bắn mù tạt, tương ớt hoặc các loại sốt vào người để có cơ hội tiếp cận bạn. Sau đó, chúng sẽ vờ làm người tốt giúp chùi sạch vết bẩn rồi khi bạn lơ là cảnh giác, chúng sẽ khéo léo lấy luôn hành lí, tư trang của nạn nhân. Vì thế, nếu rơi vào tình huống này, bạn hãy bình tĩnh và xử lí. Đặc biệt, đừng rời mắt khỏi hành lí của mình nhé.
4. Người già cũng có thể lừa đảo
Ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, kẻ gian luôn cố tình đóng vai bà cụ tội nghiệp, đi nghiêng ngả rồi ngã ngay giữa đường để thu hút sự chú ý của người khác. Sau khi tiếp cận thành công, họ sẽ nhanh tay móc luôn ví tiền và tư trang của nạn nhân.
5. Lừa đảo phương tiện đi lại
Có thể nói, tàu bè hay ca-nô là phương tiện di chuyển chính của nhiều du khách khi tới thăm Phuket. Thấy vậy, kẻ gian đã lợi dụng thói quen này để thực hiện hành vi lừa đảo.
Chúng sẽ đợi cho tới khi bạn trả tàu/thuyền rồi sẽ cố gắng tìm ra chỗ hỏng hóc để có cớ “ăn vạ”. Và nếu bạn không chủ động bồi thường, chúng sẽ gọi thêm nhiều người đến rồi ép bạn trả tiền cho bằng được.
6. Đưa đồ rồi “ăn vạ”
Nếu một người lạ cố đưa bạn một vật gì đó, bạn không nên cầm. Một du khách kể lại rằng, khi ở Paris (Pháp), một người bất ngờ nắm lấy cổ tay cô và đeo vào một chiếc vòng tình bạn.
Rồi người đó bắt đầu đòi tiền. Sự việc tương tự xảy ra ở Venice (Italy). Một số người tiếp cận khách du lịch và đưa hoa cho họ rồi vòi tiền. Đây không hẳn là lừa đảo, nhưng cũng là một sự cố gây khó chịu cho du khách.
7. Chiếc vòng tẩm thuốc mê
Nếu định du lịch châu Âu, bạn đừng bao giờ nhận các loại chuỗi hạt, vòng tay từ người lạ. Bởi sau khi bạn đeo nó lên, họ sẽ cố tình lắc tay khiến bạn trúng phải bùa mê ngay lập tức.
Một khi đã rơi vào cái bẫy này, bạn sẽ bị mất ý chí thậm chí là bất động. Đó cũng chính là lúc kẻ gian dễ dàng cướp đi tài sản của bạn.
8. Lừa tới phòng triển lãm giả
Tham quan bảo tàng, thư viện là thói quen của nhiều người khi đi du lịch. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu thật kĩ về nơi bạn định đi thay vì để người lạ chỉ dẫn.
Hiện có nhiều kẻ thường giả danh sinh viên mỹ thuật rồi cố tình dẫn du khách tới những phòng triển lãm giả. Tại đây, chúng sẽ bắt bạn đóng phí tham quan, mua đồ uống và nhiều phụ phí khác.
9. Nhiệt tình thái quá cũng không đáng tin
Khi đi du lịch, bạn hoàn toàn có thể nhờ người dân địa phương chỉ đường hay gợi ý những quán ăn ngon nhưng đừng bao giờ nhờ họ dẫn đi rút tiền dù họ có tỏ ra nhiệt tình giúp đỡ. Rất có thể họ sẽ đọc được mã PIN rồi cướp thẻ và tiền bạc của bạn đấy.
10. Hãy cảnh giác với cả nhân viên cửa hàng
Không chỉ có những kẻ xấu lởn vởn mới cần đề phòng mà ngay cả nhân viên ở một số cửa hàng với trình độ công nghệ cao cũng là các chuyên gia bịp bợm.
Nếu gặp phải một nhân viên ở cửa hàng lưu niệm có thói quen nói chuyện điện thoại ngay cả trong lúc tính tiền thì hãy cẩn trọng với thẻ tín dụng cá nhân. Rất có khả năng người bán hàng không chân thật ấy đang dùng điện thoại để ghi lại số thẻ tín dụng của bạn đó.
Khi ấy, chỉ cần tuồn vào tay những tội phạm chuyên nghiệp hoặc sử dụng công nghệ đơn giản tự chế, chiếc thẻ của bạn sẽ bị làm giả trong phút chốc. Nghiễm nhiên sau đó, nhân viên trên có thể tiêu xài một cách tùy ý mà toàn bộ số tiền bạn phải chi trả.
Lời khuyên dành cho bạn là nên rút tiền ở các thẻ ATM gần nơi mình mua đồ (nhớ để ý xem có camera quay trộm hay thiết bị điện tử không an toàn gắn theo dõi ở ATM hay không) hoặc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.
11. Nạn rạch túi có thể xảy ra ở bất kì đâu
Rạch túi là trò cướp giật phổ biến ở nhiều thành phố, đặc biệt là Barcelona. Kẻ gian thường nhắm vào những người hay đeo túi hoặc mang theo vali ra đường.
Nhân lúc họ chờ taxi hoặc tàu điện ngầm, chúng sẽ đi xe đạp qua và nhanh tay rạch quai túi rồi cướp đi ngay lập tức. Và khi bạn đuổi theo kẻ cướp, đồng phạm của chúng sẽ thừa thời cơ lấy nốt những túi đồ còn lại.
12. Đừng mắc bẫy của những cảnh sát giả mạo
Trên thực tế, nhiều kẻ gian còn dám đóng giả làm cảnh sát để đi lừa đảo nữa. Chúng thường trà trộn vào các khu du lịch rồi bắt bạn xuất trình visa, hộ chiếu rồi ép bạn nộp phạt.
Khi rơi vào tình huống này, bạn hãy yêu cầu chúng đưa mình tới đồn cảnh sát gần nhất nhé. Chúng sẽ nhanh chóng “thả” bạn đi ngay thôi.
13. Lợi dụng lòng tốt để lừa đảo
Ở Istanbul, kẻ gian thường đóng vai làm người đánh giày ngây thơ, vô tội. Mưu đồ của chúng rất đơn giản. Đầu tiên, chúng sẽ cố tình làm rơi chổi đánh giày ở gần bạn rồi đợi bạn nhặt lên.
Và để cảm ơn, chúng sẽ ngỏ ý đánh giày cho bạn. Nhưng sau khi xong xuôi mọi việc, những tên gian manh này sẽ thản nhiên đòi tiền bạn. Tất nhiên, dù bạn nhất quyết không trả thì chúng cũng sẽ ăn vạ ngay chốn đông người cho mà xem.
14. Wifi miễn phí không tốt như bạn tưởng
Vào mùa du lịch, số lượng du khách sử dụng wifi miễn phí tại các nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm luôn tăng cao đột biến.
Thế nhưng, điều này lại không hề an toàn như bạn nghĩ. Bằng việc xâm nhập qua đường wifi, các hacker có thể dễ dàng ăn trộm thông tin, dữ liệu của bạn đấy.
15. Cảnh giác trước xe Tuk Tuk
Tuk Tuk được coi là phương tiện đi lại phổ biến với nhiều người khi tới Thái Lan. Thế nhưng, một số tài xế luôn hét giá cao hoặc cố tình chở du khách tới “phố đèn đỏ” dù họ chẳng yêu cầu. Để đảm bảo an toàn cho mình, bạn hãy chọn taxi có đồng hồ tính tiền hoặc nhờ đại lí xe Tuk Tuk uy tín.
16. Nếu có thể, đừng cho sữa
Theo cuộc khảo sát của blogger có tiếng Ferdinand Göetzen thì Campuchia cũng là quốc gia có tỉ lệ lừa đảo cao nhất nhì thế giới.
Ở đây, một số trẻ cơ nhỡ bế em bé trên tay thường bám theo khách du lịch để nài nỉ họ mua sữa cho chúng uống. Vì thương cảm, nhiều người vẫn vui vẻ đồng ý mà chẳng ngờ rằng chỉ cần thấy bóng họ vừa đi, chúng sẽ bán lại với cửa hàng tiện lợi để lấy tiền tiêu.