Muối có vai trò gì với cơ thể
Muối hay natriclorua (NaCl) là một trong những chất không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Không chỉ giúp các món ăn thêm đậm đà hấp dẫn, muối còn đóng vai trò cực kì quan trọng đối với cơ thể con người.
Muối ăn có thành phần chủ yếu là natri clorua, trong đó 39% là natri, 61% là clorua. Khi đi vào cơ thể, muối sẽ phân giải thành ion natri và ion clorua. Hai ion này sẽ lần lượt đóng vai trò quan trọng khác nhau.
Ion natri sẽ giúp duy trì thể tích máu và áp lực thẩm thấu tế bào trong cơ thể, giữ cho lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu được cân bằng đồng thời dẫn truyền xung động thần kinh cũng như kích hoạt sự co cơ của con người.
Trong khi đó, ion clorua ngoài việc tham gia vào quá trình phân phối nước, điều hòa áp lực thẩm thấu còn giúp ổn định cân bằng kiềm toan trong cơ thể. Ngoài ra, loại ion này còn có tác dụng sản sinh ra a-xít dạ dày cũng như kích hoạt amylase, là những chất cực kỳ quan trọng đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể diễn ra liền mạch.
Hầu hết mọi người đều đã quá quen thuộc với những cảnh báo rằng ăn nhiều muối sẽ rất bất lợi cho sức khỏe như làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và giảm tuổi thọ. Tuy nhiên ít ai biết rằng, việc ăn quá ít muối cũng sẽ đem lại những hậu quả khôn lường.
Những bệnh nguy hiểm khi ăn quá nhạt
- Gây phù não:
Tiêu thụ quá ít muối trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây ra hội chứng natri thấp. Hội chứng này xảy ra khi lượng natri nạp vào cơ thể không đủ, làm cho áp lực thẩm thấu bên trong và ngoài tế bào của cơ thể bị mất cân bằng.
Điều này sẽ khiến nước ngấm vào trong tế bào, gây nên hiện tượng phù não ở nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì làm ý thức bị rối loạn với các triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn, chóng mặt… nặng thì bị biếng ăn trầm trọng, mạch yếu, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, phản xạ chậm, mắt mờ và có thể dẫn đến co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.
- Ảnh hưởng tới hệ thần kinh vận động:
Lượng natri trong máu giảm cũng sẽ làm cho nước có thể tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ gây ra hiện tượng phù tay, chân hoặc phù toàn thân. Đồng thời, hệ cơ cũng sẽ bị 'liên lụy' và xuất hiện các triệu chứng như mỏi cơ, liệt cơ, chuột rút, kiến bò.
- Gây hại thận:
Ăn ít muối quá mức còn làm thể tích máu trong cơ thể giảm xuống. Điều này buộc tuyến yên và tuyến thượng thận phải làm việc nhiều hơn để giúp thận giữ lại lượng natri và nước nhằm tăng thể tích máu. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến thận gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm.
- Tăng huyết áp:
Hạn chế, ăn quá ít muối quá mức có thể khiến làm giảm đáng kể khối lượng chất lỏng, hoạt tính của hệ thống renin – angiotensin và và hệ thống thần kinh giao cảm tăng lên. Từ đó có thể khiến huyết áp của những một số bệnh nhân tăng lên.
Như vậy, với một số bệnh như tăng huyết áp, suy thận, suy tim, dạ dày mãn tĩnh…các bác sĩ sẽ khuyến cáo chế độ ăn nhạt hoặc kiêng muối. Tuy nhiên, đối với người có sức khỏe bình thường, nếu ăn quá nhạt trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Do đó, cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho không quá thừa hoặc thiếu muối để đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể diễn ra bình thường.