Trước tình hình đó, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nỗ lực đưa người lao động trở lại thị trường.

Hơn 5 triệu lao động bị mất việc, giảm thu nhập

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của hầu hết các tổ chức và công việc của người lao động trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; 67% doanh nghiệp  phải cho nhân viên tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội.

Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2020, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng cho biết, từ tháng 5/2020 trở đi, số lao động quay trở lại làm việc đang tăng lên. Trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc quy trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc làm của người lao động và hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu còn đình trệ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành website việc làm quốc gia. Việc này nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu lao động sâu rộng hơn.

Trước mắt, trang web góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong điều kiện tránh tụ tập đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ. Đồng thời, tạo cơ hội việc làm cho người lao động qua việc kết nối, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề, trường nghề, kết nối với doanh nghiệp...

Đồng thời, Chính phủ dự kiến cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo hoặc đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề; chuyển đổi việc làm cho thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cũng theo thông tin từ Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 3/2020, cả nước có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp cả quý I/2020 là 132.320 người, tăng 10% so với quý I/2019. Tổng chi 3 tháng đầu năm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm là 2.590 tỷ đồng. Tháng 5/2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 158.000 người, gấp 1,5 lần so với tháng 4 và bằng 144% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo thị trường lao động quý II/2020 theo 3 kịch bản

Để bảo đảm lao động cho sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, Cục Việc làm đã đưa ra một loạt giải pháp như: Chủ động nắm bắt thị trường lao động để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; chỉ đạo hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu lao động.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng, Cục Việc làm cũng đưa ra dự báo về thị trường lao động trong tháng 6 và quý II/2020. Tình hình lao động ngừng việc có xu hướng giảm do doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại làm việc. Khi đó có 3 kịch bản thị trường lao động.

Nếu tình hình dịch trên thế giới diễn biến tích cực, số mất việc làm hàng tháng là 70.000-80.000 người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 70-75%, số lao động ngừng việc là 3-3,5 triệu người.

Nếu tình hình dịch trên thế giới diễn biến đi ngang hoặc chuyển biến xấu, số mất việc làm hàng tháng là 80.000-90.000 người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng 80%, số lao động ngừng việc là 5-5,6 triệu người.

Nếu tình hình dịch trên thế giới diễn biến xấu, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số mất việc làm hàng tháng có thể lên tới 90.000-100.000 người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 90%, số lao động ngừng việc là 6,1-7,2 triệu người.

Trước những kịch bản trên, Cục Việc làm cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lao động cho sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu kinh tế và khu công nghiệp.

Theo đó, cơ quan này sẽ chủ động nắm bắt thị trường lao động để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến và chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và hướng dẫn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, Cục Việc làm sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ người sử dụng lao động chủ động đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô