Khác với các mô hình cầm đồ “truyền thống” khác là lẳng lặng hoạt động một cách kín đáo, CTCP Kinh doanh F88 hay còn quen thuộc với cái tên hệ thống cửa hàng cầm đồ F88 tự quảng cáo khá rầm rộ với slogan “quyết tâm thay đổi định kiến của xã hội đối với ngành nghề cầm đồ truyền thống đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra tại chuỗi cửa hàng này một lần nữa chứng minh quảng cáo không phải bao giờ cũng đúng với sự thật.

Rầm rộ quảng cáo “quyết tâm thay đổi định kiến của xã hội đối với ngành nghề cầm đồ truyền thống đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam” nhưng hoạt động của F88 lại đầy khuất tất, mập mờ. 

Đủ chiêu lách luật

Cụ thể, để “lách” các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và trần lãi suất, F88 niêm yết lãi cho vay ở mức 1,1%/tháng, tương đương hơn 13%/năm. Nếu chỉ nhìn vào con số này sẽ thấy lãi suất cho vay của F88 khá “dễ thở” vì chỉ chênh lệch không nhiều so với hệ thống ngân hàng mà thủ tục và thời gian giải ngân lại vô cùng nhanh gọn, thường chỉ dao động từ 10-20 phút đối với các tài sản cầm cố đơn giản, có giá trị nhỏ. 

Tuy nhiên, đây không phải toàn bộ chi phí vay mà khách hàng phải bỏ ra để thực hiện giao dịch vì bên cạnh mức lãi suất khá “nhẹ nhàng” này, khách hàng sẽ phải trả thêm 1,4%/tháng tiền “phí thẩm định điều kiện cho vay” và 3,5%/tháng tiền “phí lưu giữ tài sản cầm cố”. 

Như vậy, tổng chi phí mà mỗi khách hàng phải trả để vay tiền từ hệ thống F88 lên tới 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cao gấp 3,6 lần so với quy định hiện hành của pháp luật về mức trần lãi suất là 20%/năm đối với hoạt động này.

Trang 1 trong bản Hợp đồng cho vay cầm cố của CTCP kinh doanh F88 thể hiện rõ mức phí thẩm định và phí lưu giữ tài sản tại hệ thống này cao gấp hơn 4 lần so với lãi suất.

Trang 1 trong bản Hợp đồng cho vay cầm cố của CTCP kinh doanh F88 thể hiện rõ mức phí thẩm định và phí lưu giữ tài sản tại hệ thống này cao gấp hơn 4 lần so với lãi suất.

Theo nhân viên của F88, mức lãi suất 6%/tháng hay 72%/năm được áp dụng đối với các khoản vay nhỏ, có giá trị dưới 10 triệu đồng. Còn đối với các khoản cầm cố trên 10 triệu đồng thì tổng chi phí vay của khách hàng sẽ “chỉ còn” 4,5%/tháng, tương đương 54%/năm. Khi đó, các chi phí mà khách hàng phải trả sẽ bao gồm: Lãi suất 1,1%/tháng, phí thẩm định điều kiện cho vay 1,4%/tháng và phí lưu giữ tài sản cầm cố 2%/tháng. 

Trong khi đó, Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định các loại hình dịch vụ như cầm đồ mà F88 đang hoạt động được thỏa thuận lãi suất nhưng không vượt quá mức 20%/năm. 

Thiệt đơn thiệt kép 

Nhằm tối đa hóa lợi nhuận, F88 không chỉ tìm cách “nắm đằng chuôi” mà còn tìm cách gạt bỏ nhiều quyền lợi hợp pháp của khách hàng khiến khách hàng dễ rơi vào cảnh thiệt đơn thiệt kép khi giao dịch tại chuỗi cửa hàng này.  

Đơn cử như khi ký kết Hợp đồng cho vay cầm cố với khách hàng, bất chấp điều khoản do chính mình đề ra là “Hợp đồng này được lập thành 2 (hai) bản gốc, có giá trị như nhau. Mỗi bên giữ một bản”, nhân viên của F88 không hề đưa lại một bản gốc hợp đồng cho khách hàng với lý do “đây là quy định của hệ thống”.

 

Anh Ng. – một khách hàng cho biết khi cầm đồ tại F88, anh chỉ được nhận lại Phiếu cầm đồ với các thông tin cơ bản gồm Họ tên khách hàng, tên tài sản cầm cố, số tiền vay và thời hạn vay. Phiếu cầm đồ này hoàn toàn không thể hiện lãi suất hay các loại phụ phí cao ngất ngưởng như trong bản hợp đồng. Tuy nhiên, nhân viên của F88 từ chối trả lại anh một bản gốc hợp đồng như điều khoản được quy định trong chính bản hợp đồng đó.

Thay vì trả lại một bản gốc Hợp đồng cho khách hàng theo quy định tại chính Hợp đồng này, F88 chỉ giao lại cho khách thứ giấy tờ duy nhất là

Thay vì trả lại một bản gốc Hợp đồng cho khách hàng theo quy định tại chính Hợp đồng này, F88 chỉ giao lại cho khách thứ giấy tờ duy nhất là "Phiếu cầm đồ" nhưng không có bất kỳ thông tin nào về các khoản lãi suất và phí đi vay.

Không những thế, F88 còn thể hiện sự mập mờ trong các điều khoản về xử lý tài sản cầm cố của khách hàng ngay trong bản Hợp đồng cho vay này.

Cụ thể, bản hợp đồng mà F88 giao cho khách hàng chỉ viết đơn giản “Bất kỳ khi nào mà Bên B (khách hàng) vi phạm nghĩa vụ đến hạn nào theo Hợp đồng nay, bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi và phí, Bên A có toàn quyền xử lý Tài sản cầm cố theo quyết định của mình”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Ng. thì đại diện cửa hàng F88 ở 850 Đường Láng (Hà Nội) cho biết “trong vòng 5 ngày sau khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả đầy đủ gốc và lãi thì cửa hàng sẽ thanh lý tài sản của khách mà không cần có sự đồng ý của khách”.

Điều đáng nói là những thông tin này hoàn toàn không được thể hiện trên Hợp đồng hoặc bất kỳ giấy tờ, văn bản cụ thể nào. Như vậy, có thể dễ dàng thấy rằng, trong trường hợp có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra thì khách hàng gần như nắm chắc phần thiệt thòi về phía mình vì không có bằng chứng nào chứng minh quyền lợi hợp pháp của bản thân mình.

Trong khi đó, F88 với quyền nắm giữ tài sản và quy định khá "khôn lỏi" do chính mình đặt ra sẽ có toàn quyền định đoạt số phận tài sản của khách. 

Trước đó, các chuyên gia tài chính cũng cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi giao dịch tại các cửa hàng cầm đồ bởi việc bán thanh lý tài sản mới là một trong những nguồn thu chính của các cửa hàng này nên những người kinh doanh sẽ tìm mọi cách "trói" khách hàng bằng những điều khoản có lợi cho họ mà F88 là một trong những ví dụ điển hình. 

Theo Song Hà/Reatimes.vn