Nhưng, để tận dụng cơ hội thị trường, nông thủy sản cần xử lý nhiều vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Điểm trừ của nông sản Việt
Chưa hết phấn khởi vì trái nhãn tươi được Australia đồng ý nhập khẩu, thì ngay trong chuyến hàng đầu tiên, các nhà xuất khẩu của Việt Nam đã bị mắc lỗi, dù là lỗi rất sơ đẳng. Cụ thể, lô nhãn Việt Nam đầu tiên vào Australia đã bị Cơ quan Kiểm dịch nước này tại Melbourne dừng thông quan, do doanh nghiệp đóng gói không đúng quy định. Do được Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp với nhà nhập khẩu nước sở tại “giải cứu” kịp thời, lô hàng đã được thông quan (đây là một trường hợp ngoại lệ), nhưng đó là điểm trừ của nông sản Việt trong giao dịch thương mại quốc tế bởi tính tuân thủ kém.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, chúng tôi đã thông báo các điều kiện nhập khẩu nhãn trên website của Bộ Công thương và website của Thương vụ từ trước khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hai nước gặp và công bố mở cửa nhập khẩu nhãn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không để ý. Trên thực tế, tính tuân thủ kém, thiếu chuyên nghiệp của các nhà xuất khẩu… đã không ít lần đẩy nông sản Việt vào tỉnh cảnh “không được phép thông quan”.
Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare cho biết: “Nông sản Việt Nam xuất khẩu rồi bị trả lại đã diễn ra nhiều lần, không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ hàng bị trả lại hoặc phải xử lý lại ở mức độ khá cao. Những lô hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của phía đối tác có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do khâu sơ chế, chế biến và khâu sản xuất”. Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi, Công ty TNHH Agricare cũng từng có những lô hàng mắc phải lỗi trong khâu sơ chế, chế biến do người nông dân vô tình không làm sạch. Theo ông Thắng, đó là những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, rủi ro về tài chính là một phần, nhưng quan trọng hơn cả là ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu của doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ xuất khẩu.
Kiểm soát chất lượng hàng hóa
Nông sản Việt đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản… Dù vậy, tại các thị trường lớn và khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Australia..., nhiều mặt hàng nông sản Việt vẫn bị từ chối nhập khẩu do còn tồn dư thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh... Từ đầu năm đến nay, một loạt lô hàng xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật Bản bị từ chối hoặc đưa vào diện giám sát, kiểm tra 100%.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2019, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang nước này nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép. Phía Nhật Bản dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Một thị trường lớn khác là EU cũng đang mở ra với nông sản Việt khi Hiệp định EVFTA đã được ký kết dự kiến có hiệu lực vào năm 2020. Ngay khi EVFTA đi vào thực thi, đối với các sản phẩm trồng trọt, rau quả, có tới 520/556 dòng thuế về 0%. Nhưng, để tận dụng cơ hội thị trường, nông thủy sản cần xử lý nhiều vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa. Chưa hết, kể từ 1/9/2019, Ủy ban châu Âu đã bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam.
Để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu hợp lệ, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp khi nông sản bị trả về, mới đây, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã gửi văn bản yêu cầu các chi cục kiểm dịch thực vật vùng trực thuộc hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc rà soát, thực hiện các quy định mới nhất của EC. Có thể thấy, giải pháp hiệu quả nhất để hàng nông sản Việt không nhận điểm trừ từ các nhà nhập khẩu là tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị, tuân thủ các thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), cũng như các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS)…