Với những người chở quất, đào thuê, niềm vui và hạnh phúc của họ, chỉ người trong cuộc thấu hiểu…
Như đã thành thông lệ, cứ vào dịp cận Tết là tại các làng Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại xuất hiện cảnh tấp nập người mua, kẻ bán các loại cây cảnh, chủ yếu là đào, quất. Vào thời điểm này, ai ai cũng muốn chọn cho mình những chậu quất, cành đào ưng ý nhất để trưng trong ngày Tết.
Và đây cũng là lúc các nhà vườn cần một lượng lớn lao động thời vụ, đặc biệt là những người đảm nhận công việc chở đào, quất. Để có thể chuyển cây một cách nhanh gọn và kịp thời, các chủ vườn thường gọi cho những mối xe ôm sẵn của mình với mức giá đã thỏa thuận từ trước.
Là một người lái xe ôm nhiều năm tại khu vực đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) đồng thời là người có kinh nghiệm chở đào quất vài năm nay, anh Nguyễn Đăng Tiến (30 tuổi) chia sẻ: “Công việc thường ngày của tôi là chạy xe ôm công nghệ, nhưng tới dịp cận Tết là tôi lại tạm gác công việc đó để chuyển sang chở đào, quất thuê cho những chủ vườn ở khu vực phường Tứ Liên, Nhật Tân. Nếu chăm chỉ làm thì mỗi ngày có thể kiếm tốt hơn mức thu nhập từ việc chạy xe ôm”.
Hơn 5 năm nay, cứ đúng vào ngày rằm tháng Chạp là ông Nguyễn Thế Tài quê Thái Nguyên, lại cưỡi con ngựa sắt đã cũ của mình xuống Hà Nội để làm thời vụ tại một vườn quất ở Tứ Liên.
“Từ nhiều năm trước tôi có quen biết với mấy chủ vườn đào ở Nhật Tân nên cứ vào dịp cận Tết là họ lại gọi tôi để làm công việc vận chuyển. So với làm nông nghiệp ở quê thì công việc này chưa thấm vào đâu, lại có thu nhập tốt hơn nhiều. Tôi làm từ rằm tháng Chạp đến hết ngày 29 Tết, cũng kiếm được ít tiền về quê ăn Tết với gia đình”, ông Tài chia sẻ.
Do mức thu nhập cao nên những người làm nghề này cận Tết phải chạy đua với thời gian. Họ làm việc từ sáng sớm cho đến tối, ai thuê chở là họ sẵn sàng nhận lời. Mặc dù tất bật là thế nhưng ai cũng thấy ấm lòng.
Anh Tiến hay ông Tài chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm trường hợp khác mong chờ một cái Tết ấm cúng với công việc chở đào, quất thuê của mình. Nhưng nếu chỉ nhìn vào mức thu nhập có thể tạm cho là cao đột xuất như vậy cũng không thể nói đây là một việc nhàn hạ. Bởi đặc thù công việc khá vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ để đảm bảo giá trị thẩm mỹ nên người làm nghề phải dẻo dai, cần cù và cẩn thận. Trong đó, quan trọng là khâu đánh gốc đào lên xe sao cho không bị đứt rễ, buộc đào sao cho chắc chắn, di chuyển khéo léo trên đường phố để tránh va quệt làm hỏng cây.
“Những chậu đào, quất vừa nặng, vừa cồng kềnh đòi hỏi người lái xe phải cầm chắc tay lái, giữ được thăng bằng khi di chuyển đồng thời phải quan sát kỹ đường đi nếu không rất dễ xảy ra va quệt, vừa nguy hiểm tới bản thân vừa làm cây bị gãy cành dễ bị khách hoặc chủ vườn trừ tiền công, thậm chí có thể bị phạt”, anh Tiến cho biết thêm.
Đồng quan điểm với anh Tiến, ông Tài cũng chia sẻ rằng: “Làm nghề này không thể hấp tấp và nôn nóng được, một phút chủ quan và lơ là bao nhiêu công sức bỏ ra coi như bằng không. Mặt hàng mình chở là các loại hoa, cây cảnh đang có độ đẹp phục vụ cho dịp Tết. Vận chuyển không cẩn thận đi trúng chỗ đường xấu thì sẽ rất dễ va đập dẫn đến gãy cành, gãy nụ, gặp chủ vườn nào quen họ còn thông cảm chứ nếu không thì phải đền cho họ một phần số cây cảnh bị hỏng do vận chuyển”.
Với địa điểm là các ngôi nhà cao tầng, việc di chuyển cây từ xe lên tận nhà của khách hàng cũng là một thách thức lớn. Thế cây cảnh to, cồng kềnh không thể vận chuyển bằng thang máy mà phải vận chuyển hoàn toàn bằng cầu thang bộ mất nhiều thời gian, công sức.
Cùng với việc vận chuyển bằng xe máy, ô tô được coi là phương tiện vận chuyển tiện lợi nhất trong số các phương tiện phục vụ vận chuyển cây cảnh, nhưng không phải lái xe nào cũng có kinh nghiệm trong việc vận chuyển cây cảnh, có khi một phút chủ quan cũng khiến lái xe bị thiệt hại ví như việc có nhiều cây được đặt lên thùng xe tải, nếu không có kinh nghiệm rất dễ xảy ra hiện tượng cây bị xuống mã do va đập.
Theo tài xế Đinh Văn Hoàng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì vào những ngày giáp Tết, nhu cầu vận chuyển cây cảnh cao, đặc biệt là đào, quất nên anh thường xuyên trong tình trạng làm không hết việc. Thế nhưng công việc bận rộn, cập rập, cũng đồng nghĩa với việc tài xế này bỏ túi vài triệu đồng mỗi ngày, đây được xem là một mức thu nhập cao nếu so với công việc chở thuê hàng ngày của anh Hoàng.
Có thể nói, dịp trước Tết khoảng 20 ngày, nhiều gia đình, doanh nghiệp đã tấp nập tới các vườn đào, vườn quất để tìm mua cho mình những cây cảnh ưng ý nhất. Tuy nhiên, có rất nhiều khách hàng chỉ đặt thuê cây cảnh để chơi trong mùa Tết. Chính vì vậy, dịch vụ chuyển đến còn kèm dịch vụ trả cây lại cho chủ vườn sau Tết. Mỗi lần chuyển như vậy, người chở thuê chỉ lấy giá bằng 2/3 giá vận chuyển ban đầu để giữ mối cho những mùa tiếp sau.
Một mùa Tết nữa lại đang tới gần và những người chở thuê lại tất bật chuẩn bị cho thời điểm tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, dẫu biết rằng có thể thêm nhiều vất vả. Và hơn cả, họ chính là những người chở Tết tới mọi nhà!