Nếu họ thông báo thì ngay từ đầu chúng tôi đã đi mua nước để ăn uống, sinh hoạt thay vì tin vào cam kết “nước sinh hoạt vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế” và vẫn sử dụng nước? Nếu ăn uống thứ nước đó mà sinh bệnh thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Đó là những câu hỏi đầy bức xúc của hàng nghìn cư dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông (Hà Nội)… khi biết tin nguồn nước sinh hoạt mình đang sử dụng bị ô nhiễm dầu thải và thông tin này đã bị giấu nhẹm trong mấy ngày qua.
Sự việc xảy ra vào sáng 10/10 khi hàng chục nghìn hộ dân Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt bốc mùi lạ. Cuộc sống bị đảo lộn khi nhiều gia đình phải tự xoay sở bằng việc mua nước sạch từ xe bồn, từ nước đóng bình, đóng chai để sử dụng thay thế. Nhiều gia đình thậm chí vẫn sử dụng nguồn "nước bẩn" bởi tin tưởng vào lời khẳng định của nhà cung cấp nước "nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế", rằng "mùi lạ có thể là do mùi clo".
Trái ngược với sự hoang mang, lo lắng của người dân, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà - đơn vị hằng ngày cung cấp khoảng 300.000m3 nước sạch – vẫn im lặng và bình thản. Thậm chí, ông Vũ Đức Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty còn khẳng định, nhà máy nước sạch sông Đà vẫn đang vận hành bình thường theo đúng quy trình đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất được Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà gửi tới Sở Xây dựng Hà Nội vào sáng 14/10 đã thừa nhận: Từ 12h trưa ngày 9/10, nhân viên đội bảo vệ và vớt rong rêu của nhà máy đã phát hiện váng dầu ở cửa kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài, đã báo lên phòng trung tâm và lãnh đạo công ty để xử lý. Ngay khi phát hiện váng dầu, Nhà máy nước sạch Sông Đà đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua các hố van xả cặn đoạn từ nhà máy đến bể chứa trung gian…
Báo cáo trên đã hé lộ một sự thật là việc nguồn nước bị ô nhiễm dầu thải đã được doanh nghiệp cung cấp nước phát hiện ngay từ đầu nhưng những ngày qua, tuyệt nhiên không có bất kỳ một thông tin chính thức nào được nhà cung cấp nước sạch Sông Đà thông báo tới các công ty phân phối nước và người dân sử dụng nước của công ty này.
Sở Xây dựng TP Hà Nội - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc cấp nước sạch trên địa bàn - thì giữ thái độ im lặng trước đòi hỏi bức thiết của người dân về nguyên nhân sự cố.
Các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng không hề có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân về các nguy cơ nước sạch bốc mùi ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe, giải pháp xử lý nguồn nước ra sao, đặc biệt là yêu cầu nhà cung cấp Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà phải công bố rộng rãi nguyên nhân sự cố để người dân an tâm.
Trong khi đó, dù phải "sống chung cùng nước bẩn" thì những ngày qua, hàng nghìn hộ dân vẫn đang phải trả tiền cho nhà cung cấp nước. Là khách hàng, họ có quyền đòi hỏi Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà và các công ty phân phối nước sạch thực hiện nghiêm các cam kết về chất lượng nước theo hợp đồng cung cấp nước sạch đã ký kết và phải bồi thường khi nguồn nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đương nhiên, sự cố là điều không ai mong muốn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng cách xử lý sự cố đó thế nào, trách nhiệm của cơ quan chức năng và các bên liên quan ra sao mới là vấn đề cần phải bàn. Sự kiện nước nhiễm bẩn lần này đã cho thấy sự thờ ơ, vô trách nhiệm, coi thường sức khỏe, tính mạng người dân của doanh nghiệp cung cấp nước cũng như phản ứng quá chậm chạp của các cơ quan chức năng Hà Nội. Chỉ trong vòng hơn một tháng, người dân Thủ đô chưa hết lo sợ vì phải chịu đựng bầu không khí ô nhiễm sau vụ cháy công ty Rạng Đông lại tiếp tục hoang mang trước sự cố nước sạch bốc mùi do nhiễm dầu. Họ có quyền kỳ vọng và đòi hỏi chính quyền thành phố sẽ có những hành động mạnh mẽ và chủ động hơn để khắc phục sự cố và ngăn chặn nguy cơ về các vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai…