Các hậu quả mà chất này gây ra cho cơ thể con người có thể kể đến: Gây tổn thương não và thận, can thiệp tới sự sản sinh tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Nguy cơ lớn nhất của tình trạng phơi nhiễm chì là đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã liên kết các ảnh hưởng của chì lên bộ não với tình trạng chỉ số thông minh IQ bị sụt giảm ở trẻ em.
Người trưởng thành bị các bệnh lý về thận và huyết áp cao có thể bị ảnh hưởng bởi các mức chì thấp hơn so với người trưởng thành khỏe mạnh.
Chất chì bị tích trữ lại trong xương và về sau theo thời gian nó có thể được phóng xuất. Trong khi nằm trong bụng mẹ, thai nhi bị nhiễm chất chì từ xương của người mẹ, và điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ của trẻ.
Nhiễm chì qua những con đường nào?
Theo các chuyên gia, ngộ độc chì chủ yếu qua đường thức ăn hoặc nước uống có nhiễm chì. Tuy nhiên, trường hợp này cũng có thể xảy ra sau khi vô tình nuốt phải các loại đất hoặc bụi nhiễm chì hoặc sơn gốc chì.
Người bình thường nếu tiếp xúc lâu ngày với chì hoặc các muối của nó hoặc các chất ôxy hóa mạnh như PbO2 có thể gây bệnh thận và các cơn đau bất thường giống như đau bụng.
Ngoài ra, nhiều người có thể bị ngộ độc chì kinh niên do:
- Ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì
- Uống nước dẫn qua đường ống pha chì
- Hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm acquy, mạ kim loại, khai thác chì và đúc chữ in bằng chì
- Nhân viên tiếp xúc với xăng dầu chứa chì hữu cơ
Đối với trẻ em, ngộ độc chì có thể xảy ra do ngậm đồ chơi có pha chì.
Chất chì thường được tìm thấy ở nhiều nơi khác trong môi trường sống của chúng ta.
Chì có thể lẫn trong nước dùng do chì nhiễm vào nước uống do sự bào mòn (hao mòn) của các vật liệu chứa chì trong đường ống của hộ gia đình.
Chất chì trong hệ thống đường ống có thể hòa tan vào nước uống khi nước đọng trong những đường ống này nhiều giờ, chẳng hạn như qua đêm hoặc sau thời gian người ta làm việc hoặc đến trường.
Làm thế nào để giảm rủi ro phơi nhiễm chì từ nước uống?
Mở nước chảy để xả chất chì ra ngoài
Nếu không sử dụng nước trong nhiều giờ, người dùng cần chú ý xả vòi trong khoảng từ 30 giây đến 2 phút hoặc cho đến khi nước lạnh hơn trước khi uống hoặc lấy để nấu ăn để giảm bớt lượng chì tiềm ẩn trong nước.
Dùng nước lạnh, nước sạch để nấu ăn và pha sữa công thức cho trẻ em
Chú ý, không nên dùng nước từ vòi để nấu ăn hoặc đun nước uống vì chất chì hòa tan dễ dàng hơn trong nước nóng.
Xét nghiệm nước sinh hoạt của quý vị để tìm chất chì
Để xác nhận xem nước dùng của gia đình mình có bị nhiễm chì hay không mọi người nên mang nước sinh hoạt đi xét nghiệm, kiểm tra các thành phần trong nước để đảm bảo sự ổn định của nước, tìm ra phương án kịp thời để loại bỏ chất độc nếu có trong nước.
Dùng máy lọc nước
Máy lọc nước có rất nhiều công dụng trong việc loại trừ các loại tạp chất. Ngoài ra, có một số loại máy lọc nước hiện thời có tác dụng loại bỏ hay giảm lượng chì trong nước. Do vậy, trước những nghi ngờ nước dùng của gia đình bị nhiễm chì thì mọi người có thể sử dụng máy lọc nước để đảm bảo an toàn.
Thường xuyên làm vệ sinh miệng vòi nước trong gia đình
Những vụn hạt chứa chì từ mối hàn hoặc hệ thống đường ống nước gia dụng có thể mắc lại trong vòi nước. Do đó, mỗi gia đình cần đều đặn làm vệ sinh miệng vòi nước để loại bỏ những vụn hạt này và giúp giảm tình trạng phơi nhiễm chì.
Cân nhắc việc mua những đồ dùng có độ chì thấp
Kể từ tháng 1/2014, tất cả các loại ống, vật dụng nội thất và cố định được quy định chứa dưới 0.25% chì.
Do vậy, khi chọn mua những vật dụng cố định, khách hàng nên tìm mua những sản phẩm có lượng chì nhỏ nhất cho gia đình để sử dụng.