“Chúng ta đang nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yếu tố quan trọng đầu tiên phải có để thực hiện cuộc cách mạng này là phải có nguồn nhân lực tốt. Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tốt, rất đáng mừng. Nhớ lại thời điểm năm 2013 - 2016, giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển sinh được khoảng 50-60%. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối giáo dục nghề nghiệp đã đạt 100%. Năm 2018 đã vượt chỉ tiêu 5%. Nhìn số liệu qua từng năm có thể thấy đây là tiến bộ vượt bậc”, Phó Thủ tướng nói. Đồng thời lưu ý ngành LĐ-TB&XH tới đây cần làm tốt công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp, tiến tới triển khai tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, xuất khẩu lao động trong năm 2018 vừa qua đạt kỷ lục với con số đưa 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chất lượng lao động đã tốt chưa thì báo cáo tổng kết của ngành LĐ-TB&XH chưa nói rõ.
Câu chuyện về đào tạo nhân lực trong bối cảnh cách mạng 4.0 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý ngành LĐ-TB&XH trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Ảnh: T.Hải |
“Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn. Do đó câu chuyện về đào tạo nhân lực là điểm nhấn quan trọng ngành LĐ-TB&XH cần tập trung triển khai trong năm 2019 và trong những năm sắp tới. Phải chuẩn bị lao động cho mình tốt để có thể đi làm việc ở những ngành nghề khó nhất và có được mức thu nhập cao nhất. Tới đây, có thể nghiên cứu thí điểm một vài mô hình kết nối lao động đi xuất khẩu về nước với thu hút đầu tư”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo nhân lực, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH tập trung triển khai các nhiệm vụ công tác của ngành trong năm 2019, phấn đấu làm sao để kết quả năm 2019 cao hơn năm 2018.
Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng biểu dương những kết quả toàn diện, nhiều mặt rõ nét của toàn ngành LĐ-TB&XH năm qua đã góp phần quan trọng cùng Chính phủ hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 2018. Trong đó nhiều lĩnh vực có đóng góp trực tiếp, gián tiếp của ngành LĐ-TB&XH.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2019 sẽ tập trung cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp với tinh thần đổi mới, cách làm mới. “Đào tạo CĐ, trung cấp nghề phải tăng lên. Học xong ra trường phải có việc làm. Như vậy thì phải xem chuyển giao đặt hàng thế nào? Kết nối DN ra sao? Phải tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần nên cung cầu phải kết nối rất tốt. Phải dự báo được ngành nghề nào xa hội đang cần. Xem xét chuyển đổi mô hình “Đào tạo 9 +” như thế nào?”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Bộ trưởng cho biết, sang năm mới, Bộ sẽ tổ chức hai Hội nghị bàn về vấn đề đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp như thế nào và vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo báo cáo của ngành LĐ-TB&XH, năm 2018, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2017; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ đã đề ra trong Chương trình công tác.
Ngành đã tham mưu ban hành quyết sách quan trọng về bảo hiểm xã hội, tiền lương; hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn. Các công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội... được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả đáng khích lệ.
Hà Nội giải quyết việc làm vượt chỉ tiêu Thông tin tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN; chính sách hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững luôn là những mục tiêu ưu tiên của Hà Nội. Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH Hà Nội đã hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nổi bật là TP đã giải quyết việc làm cho 190.179 lao động, đạt 125,1% kế hoạch năm, tăng 25,1% so với năm 2017. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp chung giảm còn 1,91%. Cũng trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn TP còn 1,16%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của TP giai đoạn 2016 – 2020… Đánh giá cao những kết quả của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung biểu dương Hà Nội đã giải quyết căn bản vấn đề nhà ở người có công, người ở người nghèo với nguồn kinh phí từ ngân sách xã hội hóa. Tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội hiện còn 1,16% với chuẩn nghèo cao hơn bình quân cả nước. TP cũng đã tăng cường quản lý các cơ sở cai nghiện với nhiều mô hình tốt. |
Thanh Hải