Về vụ việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, không thể chấp nhận những cán bộ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Việc lợi dụng điều kiện dịch bệnh để vi phạm phải là tình tiết tăng nặng, cần xử lý nghiêm. 

Đừng vì một con sâu mà làm rầu cả nồi canh!

Bằng sự nỗ lực, chung sức chung lòng của chính quyền, nhân dân Thủ đô, ngày 23/4, là ngày thứ 7 Hà Nội cũng như cả nước không ghi nhận thêm ca dương tính với Covid-19 và bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh tin mừng đó, người Hà Nội lại đón nhận một thông tin không vui khi cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội. 

Các nhân viên y tế làm nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác để điều tra về việc thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Bất ngờ, tiếc... đó là cảm nhận chung của người dân khi biết tin, bởi thực tế, CDC Hà Nội là cơ quan trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 của thành phố, cũng có những đóng góp trong thời gian qua.

Hành vi của các bị can đã đi ngược lại lợi ích và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị Thủ đô, của hàng trăm nghìn chiến sỹ, bác sỹ... ngày đêm thầm lặng hi sinh cuộc sống của bản thân; gần 10 triệu người dân Hà Nội đã chấp hành rất tốt các yêu cầu cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, chấp nhận nhiều thiệt thòi, cả về vật chất, tinh thần để ưu tiên tất cả cho phòng chống dịch bệnh.

Thực tế, chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với đại dịch diễn biến phức tạp như Covid-19. Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, cuộc sống người dân gặp khó khăn. Xác định rõ vai trò, vị thế Thủ đô của cả nước, lượng dân cư và du khách đông đúc, do đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao hơn nhiều so với những địa phương khác nên, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng lòng..

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phòng chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã liên tục đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, chủ động đi trước đón đầu nhằm kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm bệnh và các ổ dịch phát sinh đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa, giữ vững "cửa an toàn" cho mọi gia đình, mọi công dân trên phạm vi toàn thành phố. 

Hình ảnh cán bộ y tế cùng các cán bộ, chiến sĩ... Thủ đô đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện sớm các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về virus... đã để lại ấn tượng tốt đẹp, cảm động.

Trong đại dịch Covid- 19, tinh thần “tương thân tương ái” của người dân Hà Nội một lần nữa được tô tắm. Những hành động, giúp đỡ người nghèo được lan tỏa khắp các phố, phường.  Có cụ bà hơn 80 tuổi vừa làm đơn xin khỏi diện thoát nghèo, lại tự nguyện tặng 2 triệu đồng tiền bỏ ống cho cuộc chống “giặc” Covid- 19...

Những sai phạm của một số cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cần phải lên án, xử lý nghiêm minh nhưng không phải vì vụ việc mà có thể quy chụp hay phủ nhận những nỗ lực chung của toàn ngành Y tế Thủ đô trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19. Vụ việc cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị và nhân dân Hà Nội.

Phải xử nghiêm để răn đe

Ngay sau khi ông Cảm cùng 6 người khác bị bắt, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, không thể chấp nhận những cán bộ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Việc lợi dụng điều kiện dịch bệnh để vi phạm phải là tình tiết tăng nặng, cần xử lý nghiêm.

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng khẳng định quan điểm của Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành ủy và của Ban chỉ đạo TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ.

"Quan điểm của thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.

Trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.

Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện đã được phân bổ ngân sách phải chủ động rà soát toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị y tế, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để xảy ra thất thoát hay tiêu cực.

Sở Công Thương được giao thành lập đoàn liên ngành cùng Sở Tài chính, Công an Hà Nội rà soát lại toàn bộ các đơn vị mua sắm, nhất là các bệnh viện, các đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, chia sẻ bức xúc khi đại dịch Covid-19 gây tổn hại lớn cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, làm xáo trộn đời sống, đe doạ tính mạng người dân, lại xảy ra tiêu cực, gian lận.

“Trong khi tất cả người dân còn có ý thức chấp hành mọi quy định, người cán bộ lại có việc làm phi đạo đức là nâng khống giá thiết bị phòng dịch, hòng đem lại lợi ích riêng tư. Trong khi Trung ương chi ngân sách, các tỉnh cũng phải trích ngân sách, rồi toàn dân cùng đóng góp tiền để chống dịch, thì họ lại bòn rút những đồng tiền ấy. Đó là việc không thể chấp nhận”, ông Hòa nói.

Theo đại biểu Hòa, những đóng góp của ngành y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Những cán bộ y tế là các y bác sĩ nơi tuyến đầu trên mặt trận chống dịch, họ quên đi sức khỏe, an toàn của bản thân, chấp nhận rủi ro để điều trị cho những người nhiễm Covid-19. Đáng ra, ở tuyến dưới là y tế dự phòng - nơi được coi là hậu cần, phải hỗ trợ cho tuyến đầu, nhưng họ lại tìm cách ăn chặn ngân sách từ chính những thiết bị để phòng chống dịch.

Ông Hòa cho rằng, phải xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh cho những người lợi dụng vị trí công tác của mình để vun vén cho cá nhân.

Người dân Thủ đô luôn tin tưởng vào các biện pháp chống dịch mà chính quyền thành phố đã nỗ lực triển khai trong suốt thời gian qua và cũng hoanh nghênh các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, điều tra, khởi tố vụ án liên quan đến một số cán bộ y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh Hà Nội.  Điều đó, càng khẳng định, dù bất cứ ai, ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô