Lịch sử ôtô thế giới tới nay hơn 100 năm tuổi, kể từ khi chiếc xe thương mại đầu tiên ra đời năm 1896, ngành công nghiệp này phát triển không ngừng. Từ chỗ chỉ có một loại xe, sau đó sinh ra nhiều dòng xe với nhiều kích thước, hình dáng và công năng khác nhau để phục vụ nhu cầu nhiều đối tượng khách hàng. 

Bởi sự phức tạp đó gây ra nhiều hiểu nhầm và tranh cãi trong cách định nghĩa từng dòng xe. Trên thế giới có nhiều cách phân chia, trong đó có thể dựa vào kích thước có xe nhỏ, xe vừa, xe lớn hay dựa trên mục đích sử dụng như xe gia đình, xe thể thao, xe tải... Nhưng cách chia chung nhất là chia thành từng dòng dựa trên hình dáng với sedan, hatchback, SUV, pick-up...

Dưới đây là những cách định nghĩa cơ bản về những dòng xe chính xuất hiện ở Việt Nam, dựa trên thông tin của Edmunds, nguồn dữ liệu xe hơi khổng lồ trên thế giới.

Thế nào là xe coupe, hatchback, suv, cabriolet

Đôi khi người tiêu dùng Việt Nam không hiểu rõ các thuật ngữ tiếng Anh chỉ kiểu dáng, công dụng khác nhau của các loại xe ô tô. Cùng tìm hiểu phân biệt xe Coupe, Crosssover, Hatchback, SUV, Hard – top…

1. Dòng xe Coupe là gì?

Dòng xe couple.

Coupe: Từ thông dụng chỉ kiểu xe thể thao hai cửa bốn chỗ mui cứng, Drophead coupe: Từ cũ, xuất hiện từ những năm 1930, chỉ mẫu xe mui trần hai cửa, có thể mui cứng hoặc mềm. Tại châu Âu từ ngang nghĩa là Cabriolet.

Ngày nay, nhiều hãng sản xuất xe hơi đã giới thiệu rất nhiều mẫu xe được gọi là coupe 4 cửa, với sự khác biệt rất nhỏ so với dòng xe sedan.

Theo Hiệp hội kĩ sư xe hơi Mỹ (SAE), có một cách để phân biệt coupe 4 cửa và sedan là ở thể tích buồng lái của chúng, trong đó không gian của xe coupe được giới hạn dưới 930cm3.

Một số mẫu xe coupe 4 cửa nổi bật có thể kể đến là Audi A7, Mercedes CLS, Aston Martin Rapide…

2. Mẫu xe crossover là gì?

 

Xe Crossover.

Crossover hay CUV: chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Crossover Utility Vehicle”: Loại xe việt dã có gầm khá cao nhưng trọng tâm xe lại thấp vì là biến thể của xe sedan gầm thấp sát-xi liền khối và xe việt dã sát xi rời.

Dòng xe này có gầm cao để vượt địa hình nhưng khả năng vận hành trên đường trường tương đối giống xe gầm thấp. Ví dụ: Hyundai Santa Fe, Chevrolet Captiva…vv.

3. Xe Convertible  là xe gì?

 

Là xe có mui xếp hoặc mui trần (roadster): Xe mui xếp là xe có mui trên có thể xếp gọn xuống thành xe mui trần. Phần lớn các xe convertibles là xe thể thao, nghĩa là chỉ có 2 chỗ ngồi, có động cơ hiệu năng cao, khả năng lái rất tốt.

Các hãng GM, Ford, Mitsubishi, và Chrysler gần đây đưa ra các mẫu xe mui xếp mới, 4 chỗ, đó là các model Chevrolet Cavalier, Chrysler Conquest và Mitsubishi Eclipse Spyder.

4. Dòng xe Hatchback

 

Hatchback: Kiểu sedan có khoang hành lý thu gọn vào trong ca-bin, cửa lật phía sau vát thẳng từ đèn hậu lên nóc ca-bin với bản lề mở lên phía trên.

Hard-top: Kiểu xe mui kim loại cứng không có khung đứng giữa 2 cửa trước và sau.

5. Phân biệt dòng xe Pick-up, Sedan

Pick-up (dòng xe bán tải): Xe bán tải, kiểu xe gầm cao 2 hoặc 4 chỗ có thùng chở hàng rời phía sau ca-bin.

 

Pick-up được biết đến như một dòng kết hợp giữa xe tải cỡ nhỏ và xe gia đình, bởi với dáng vẻ thể thao mạnh mẽ, loại xe này dùng để đi lại cũng tốt mà chở hàng hóa cũng rất tiện lợi.

Phần đuôi xe pick-up thường không có mui để người dùng dễ dàng chở hàng hóa. Có thể tạm khái quát một chiếc xe pick-up như sau: là dạng xe bán tải, kiểu dáng như một chiếc xe đa dụng (MPV), khoang ghế ngồi có 5 chỗ (tính cả ghế lái).

Nó có thêm một thùng chở hàng phía sau, tách biệt hẳn với khoang ghế hành khách, có thể chở được hàng hoá với kích thước quá khổ mà những chiếc xe đa dụng khác không thể đảm nhiệm.

Khung gầm tương tự như xe tải, thiết kế phù hợp với nhiều địa hình. Vận chuyển hàng hoá trọng lượng vừa phải (từ 500 – 700kg). Có thể gắn thêm mui phụ. Ví dụ: Ford Ranger, Isuzu Dmax.

Sedan: Xe hơi gầm thấp 4 cửa, 4 – 5 chỗ ngồi, ca-pô và khoang hành lý thấp hơn ca-bin.

 

Có thể nói, sedan là dòng xe hơi phổ biến nhất hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều loại xe này chạy trên đường.

Về cơ bản, sedan được hiểu là một chiếc xe hơi 4 cửa, gầm thấp dưới 20cm, mui kín và có 4 hoặc 5 chỗ ngồi, với các thành phần như đầu xe (ca-pô), đuôi xe, thân xe, khoang hành lý (cốp) riêng biệt, trong đó, nắp ca-pô và nắp cốp thấp hơn nóc của khoang hành khách.

Có rất nhiều ví dụ điển hình về sedan mà ta có thể dễ dàng gặp ngoài đường, Toyota Camry/Altis/Vios, BMW 328i, Mercedes C/E/S, Audi A4/A6/A8 hoặc Honda Civic là những mẫu xe sedan phổ biến nhất.

Phần lớn các hãng sản xuất xe hơi đều có những mẫu sedan của riêng mình, và vì đây là dòng xe 4-5 chỗ ngồi nên nó thích hợp với rất nhiều đối tượng khách hàng, từ gia đình nhỏ, người độc thân, sinh viên, dân văn phòng cho đến các doanh nhân thành đạt.

Thật vậy, những dòng sedan sang trọng như Mercedes S, BMW series 7, Audi A8… đều được thiết kế cho những người thành đạt, với rất nhiều tiện ích độc đáo dành cho các người ngồi ở hàng ghế sau.

6. Dòng xe SUV – Sport Utility Vehicle

 

SUV: viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle, để chỉ dòng xe hơi thể thao đa dụng, các xe kiểu này này có khoang hành lý liền với khoang hàng khách, gầm cao, rất thích hợp khi đi lại với các kiểu đường sá gồ ghề, đường xấu. Phần lớn xe SUV sử dụng truyền động 2 cầu 4×4 để tăng sức mạnh cho động cơ.

Kiểu xe thể thao gầm cao, 1 hoặc 2 cầu, 5-7 chỗ, 3 cửa hoặc 5 cửa. Đúng như tên gọi của nó, xe đa dụng có thể sử dụng đi đường trường, đường địa hình khỏe, mô-men xoắn thường cao ở tốc độ thấp để tăng sức kéo khi vượt vật cản (khả năng off-road).

Một số mẫu xe SUV phổ biến ở Việt Nam có thể thấy là Ford Escape, Ford Everest, Toyota Land Cruiser, các hãng xe sang cũng có nhiều mẫu SUV cao cấp của mình, ví dụ BMW X5, Acura MDX, Audi Q7…

7. MPV – xe hơi đa dụng

 

Cũng được các gia đình tin dùng như SUV, MPV (Multi Purposes Vehicle) thường được biết đến như một dòng xe đa dụng, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng của người dùng.

Những chiếc MPV có ưu điểm của SUV như nội thất rộng rãi cho 7-8 người; khả năng vận chuyển, chuyên chở lớn; các hàng ghế linh hoạt có thể gập lại để tăng không gian của khoang chứa đồ.

Điểm dễ nhận thấy nhất để phân biệt với những chiếc SUV là xe MPV sẽ có gầm thấp hơn, đồng thời thân xe cũng thuôn dài hơn. Ngoài ra, dòng xe MPV cũng thường sử dụng động cơ tự động để đơn giản hóa việc lái xe hơn cho các đối tượng gia đình.

Có những mẫu MPV rất phổ biến mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trên đường là Toyota Innova, Mitsubishi Grandis, Madza Premacy, Toyota Previa…

8. Mini van – dòng xe chở khách

Mini van: là dòng xe chuyên chở khách, có khoang nội thất rộng rãi chung với khoang hành lý. Nhìn bề ngoài thì dòng xe này rất giống với những chiếc MPV.

Cửa bên hông đôi khi là loại cửa lùa tạo điều kiện hoạt động trong không gian hẹp. Ở Việt Nam, những chiếc xe nhỏ gọn như Kia Morning hay GM Spark, Matiz cũng được xếp chung dòng xe với mini van.

Một số mẫu xe mini van tiêu biểu có thể kể đến như: Honda Odyssey, Toyota Sienna, Kia Carnival…

9. Limosine, xe sang cho những ông chủ

 

Limosine hay gọi tắt là limo, ngay từ tên gọi đã toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng của nó. Dòng xe này xuất hiện từ rất sớm, ngay từ những năm đầu của thế kỉ 20.

Điểm dễ nhận thấy của những chiếc xe limo ngày nay là kích thước ngoại hạng của nó, cả chiều ngang lẫn độ dài, thậm chí lên đến hơn 10 mét. Do đó, không gian bên trong khoang hành khách rất rộng rãi, thậm chí có thể đặt một quần bar mini.

Những chiếc limo siêu sang ngày nay có thể kể đến như: Maybach 62(S), RR Phantom, US Presidential Cadillac DTS (xe của tổng thống Mỹ), Lincoln Town Car, RR Limosine…


Một chiếc stretch limosine​

Phân loại xe oto theo kích thước

  • Xe nhỏ (mini)
  • Xe nhỏ gọn (compact)
  • Xe cỡ vừa (mid-size)
  • Xe cỡ dài (long-wheelbase)
  • Xe cỡ tiêu chuẩn (full-size)

Phân loại theo nhiên liệu:

  • Xe máy dầu (diesel)
  • Xe máy xăng (petrol)
  • Xe điện (electric)
  • Xe lai (hybrid)

Phân loại theo giá thành

  • Xe kinh tế (Economy)
  • Xe phổ thông (Popular)
  • Xe hạng sang (Luxury)

 

Theo Duy Phan tổng hợp/Gia Đình Việt Nam